.

Cấp bách đổi mới giáo dục - Bài 4: Đầu tư về chất

.

Đổi mới nền giáo dục Việt Nam nhất thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện về chất, mà tập trung chủ yếu là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học.

Những tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trong nền giáo dục Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả thế hệ trẻ.
Những tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trong nền giáo dục Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả thế hệ trẻ.

Đột phá trong việc dạy và học

Muốn đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học. Lâu nay, kiểu dạy theo lối một chiều: Thầy truyền đạt, học trò nghe rồi ghi chép vẫn tồn tại ở nhiều cấp học. Cách dạy và học thụ động này khiến người học không phát huy được khả năng tư duy và tạo ra lối mòn cho người dạy, thiếu sự bứt phá, tính sáng tạo. Tuy nhiên, “phải nói rằng, trong ba thập kỷ vừa qua, ngành giáo dục có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, phương tiện học tập, phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng... Vấn đề đặt ra là, tại sao những đổi mới đó vẫn không mang lại kết quả như mong muốn!”, ông Huỳnh Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng chia sẻ.

Theo ông Hoa, nguyên nhân xuất phát từ 5 lý do chính. Một là, quan niệm về giáo dục của chúng ta. Chúng ta cứ đòi giáo dục toàn diện trong khi điều kiện và khả năng có hạn. Chúng ta không mạnh dạn chọn ngay khâu đột phá, đó là dạy tốt, dạy kỹ, dạy đến nơi đến chốn những môn cơ bản của từng cấp học. Chọn được như vậy, dạy như vậy, cộng với chế độ lương bổng tốt, sẽ tạo được sản phẩm tích cực. Hai là, những môn học nào, chương trình nào mà các nước đã soạn tốt, được người học chấp nhận, thì chuyển ngữ, không phải biên soạn sách giáo khoa rườm rà như hiện nay. Ba là, nếu muốn tiến kịp các nước, phải bàn ngay việc dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Bốn là, phải trả lại sự trung thực cho thi cử, kiểm tra. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT như vừa qua tác hại vô cùng cho cả người dạy và người học, làm cho môi trường giáo dục không lành mạnh, tạo khe hở cho sự gian dối có cơ hội phát triển. Năm là, Bộ GD-ĐT phải có chiến lược lâu dài về đào tạo đội ngũ. Vì hiện nay, đào tạo giáo viên bị thả nổi, lượng quá thừa nhưng chất lại không có.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Quang Thành, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Đà Nẵng cũng cho rằng, muốn đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam trước hết phải xác định rõ mục tiêu giáo dục của từng cấp học. Để rồi từ đó, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học cụ thể cũng như xác định rõ cách thẩm định, đánh giá phương thức đào tạo để rút kinh nghiệm. Và từ đó, hình thành một khung chương trình phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Đồng thời, cũng chú ý tham khảo cơ cấu giáo dục của các nước khác để học hỏi, nhìn ra cách làm của các nước trên thế giới để rút ra những điều hay, điều tốt cho nền giáo dục nước nhà, đừng quá nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam mà tách ra xa với nền giáo dục thế giới.

Phát triển đội ngũ giáo viên

Một trong những hạn chế của nền giáo dục Việt Nam được nêu lên trong Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020 là: “Đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu cục bộ, vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học trong giáo dục đại học còn thấp. Vẫn còn một bộ phận nhỏ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức và lối sống, ảnh hưởng không tốt tới uy tín của nhà giáo trong xã hội. Năng lực của một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thấp”.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, cần thay đổi phương thức đào tạo. Theo đó, cách đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo phải theo một hệ thống, một lộ trình cụ thể. Đào tạo nên người thầy cũng phải dựa vào mục tiêu của từng cấp học, để làm sao thầy bám sát nội dung giảng dạy và truyền đạt đúng hướng, đúng chương trình cho học sinh. Đào tạo xong cũng cần phải bồi dưỡng thêm cho họ những kiến thức về tin học, ngoại ngữ và đồng thời, cũng phải coi trọng việc chiêu hiền, sử dụng, tôn trọng người tài trong ngành giáo dục.

Ông Huỳnh Văn Hoa cho rằng, những vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, cả mặt tích cực và mặt hạn chế, không riêng gì ở Đà Nẵng mà các địa phương khác đều như vậy. Có điều, ở Đà Nẵng, những năm qua, đại đa số giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục đều có tinh thần và trách nhiệm với ngành. Những vụ việc tiêu cực ít xảy ra. Chất lượng đại trà từng bước được nâng lên, chất lượng mũi nhọn có nhiều cải tiến. “Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là, thu nhập của đội ngũ giáo viên vẫn thấp, đời sống vật chất còn khó khăn, nhất là giáo viên bậc học mầm non. Không thể nhìn vào áo quần tươm tất đến trường của người thầy để nói rằng họ khá hơn cán bộ, công chức các ngành khác. Lương bổng như vậy khó đòi hỏi chất lượng dạy và học tốt hơn. Ở nhiều nước, giáo dục có thang bảng lương riêng, ưu đãi hơn. Có vậy, mới thu hút người giỏi vào ngành sư phạm”, ông Hoa nhấn mạnh.

So với mặt bằng chung, thu nhập của đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn còn thấp và không đủ sức khuyến khích họ tận tâm với nghề. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn giữa việc giữ vững lương tâm nghề giáo, chuyên tâm dạy học, chấp nhận mức lương thấp với việc chạy theo nhu cầu thị trường, mở thêm trường, thêm lớp, “tích cực” dạy thêm học thêm... Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Văn Hoa thẳng thắn nói: “Nhân nào thì quả ấy. Ứng xử với giáo dục như hiện nay, xin được nói ngay, dẫu ai đó không bằng lòng, rất khó nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên”.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.