.

Hào hứng những tiết học về biển, đảo

.

Cùng với chương trình học chính khóa trong sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn, học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn được tìm hiểu kiến thức sinh động về lịch sử, địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này giúp các em thích thú hơn, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) háo hức tìm hiểu các mô hình, tranh ảnh trưng bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Ngày hội biển đảo - Tình yêu Tổ quốc.
Học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) háo hức tìm hiểu các mô hình, tranh ảnh trưng bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Ngày hội biển đảo - Tình yêu Tổ quốc.

Đưa biển, đảo vào nhà trường

Thay vì tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian như những năm trước, trong tháng 2-2012, Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) có sáng kiến tổ chức Ngày hội biển đảo - Tình yêu Tổ quốc cho hơn 2.000 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Tại Ngày hội, nhiều tranh ảnh, mô hình trực quan về biển đảo quê hương, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được trưng bày, kèm theo là những lời thuyết trình ngắn gọn dễ nhớ của giáo viên thu hút sự chú ý của học sinh. Cùng với đó, học sinh cũng được tham gia sôi nổi những trò chơi dân gian và hiện đại gắn với chủ đề biển đảo như ném vòng san hô, câu cá ngừ đại dương…

Với cách tổ chức sáng tạo này, học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân được nhắc nhở rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Không chỉ vậy, thầy và trò nhà trường còn đập “heo đất” ủng hộ hơn 17 triệu đồng vào quỹ “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động. Ông Phan Chánh, Hiệu trưởng nhà trường tự hào cho biết, qua Ngày hội biển đảo - Tình yêu Tổ quốc, học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về Hoàng Sa và Trường Sa, để rồi yêu quý hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.   

Ngoài các tiết học sôi động thông qua hoạt động ngoài giờ, ở chương trình chính khóa, nhiều trường cũng tìm cách làm những tiết học Lịch sử, Địa lý thêm phần sinh động để học sinh dễ tiếp thu và không bị nhàm chán. Với học sinh khối lớp 9 Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), giờ học môn Lịch sử sinh động hơn hẳn. Đến môn Lịch sử địa phương về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giáo viên treo tấm bản đồ biển đảo trên bảng, kèm theo đó là đèn chiếu Power point mô tả các hình ảnh về biển đảo, rồi nhấn mạnh với học sinh: “Hoàng Sa là huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng, Trường Sa là huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa”.  

Ở quận Liên Chiểu, các trường học trên địa bàn quận cũng có hình thức khác để đưa những kiến thức về biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đến với học sinh. Song song với việc tích hợp, lồng ghép chương trình lịch sử địa phương trong các môn học Lịch sử, Địa lý…, Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu đã phối hợp với Vùng 3 Hải quân tổ chức các buổi nói chuyện cho cán bộ, giáo viên, học sinh toàn quận về tình hình thời sự trên Biển Đông, tin tức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Đây là kênh thông tin chính xác giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và sâu sắc hơn các vấn đề liên quan tới biển đảo, đặc biệt là về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.  

Nêu cao tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ

Ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết, vào đầu năm học, giáo viên dạy môn Lịch sử, Địa lý nhà trường được tập huấn kiến thức biển đảo. Ở các buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường đều tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh. Đây là cách làm giúp học sinh khắc sâu kiến thức về chủ quyền biển đảo, nhất là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc, giúp các em biết trân trọng, quý giá mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, từ đó có ý thức bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc.

Kể từ năm học 2011-2012, Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cũng đã triển khai dạy chuyên đề lịch sử địa phương, trong đó bổ sung nội dung về quần đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng. Bà Phạm Thị Hoa, Phó phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho biết, để giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ, trong năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT quận Sơn Trà sẽ phối hợp với Vùng 3 Hải quân tổ chức trưng bày triển lãm tranh ảnh, các bài viết liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa cho học sinh khối THCS và tiểu học.  

Sở GD-ĐT thành phố cho biết, lâu nay, trong chương trình giáo dục chính khóa sách giáo khoa hiện hành, ngành GD-ĐT luôn chỉ đạo các trường chú ý dạy nội dung kiến thức liên quan đến giáo dục biển, đảo. Các nội dung dạy học khẳng định “Quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa” (Bài 23, 24, 43 Địa lý lớp 8; bài 38, 39, 40 Địa lý lớp 9). “Biển Đông là biển chung giữa Việt Nam và nhiều nước láng giềng. Vì vậy, tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Việt Nam và các nước có liên quan sẽ là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân ta, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta” (Bài 2, 9, 49 Địa lý lớp 12)….

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, huyện Hoàng Sa là một trong 8 quận, huyện của thành phố Đà Nẵng. Ngoài việc tổ chức dạy học các nội dung kiến thức chung thuộc chương trình trong sách giáo khoa, việc có một tài liệu dạy học riêng về Hoàng Sa, Trường Sa là hết sức quan trọng và cần thiết. Căn cứ vào các văn bản, tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam và của thành phố Đà Nẵng, nhất là ở tập Kỷ yếu Hoàng Sa, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành vào tháng 1-2012, Sở GD-ĐT đang tiếp tục hoàn chỉnh các bài học về Lịch sử địa phương để trình các cơ quan chức năng thẩm định sớm đưa vào các trường để tổ chức dạy học.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN
 

;
.
.
.
.
.