.

Khoa học và đại học

.

Bạn đã sinh ra với tiềm năng/ Bạn đã sinh ra với tư chất tốt và lòng tin/ Bạn đã sinh ra với các lý tưởng và những giấc mơ/ Bạn đã sinh ra với sự vĩ đại/ Bạn đã sinh ra với đôi cánh/ Bạn sinh ra không phải để bò, nên đừng làm thế/ Bạn có cánh/ Hãy học sử dụng chúng và bay. (Rumi)

Một góc Trường Đại học Humboldt.
Một góc Trường Đại học Humboldt.

Xin được bắt đầu với những vần thơ như thế của nhà thơ Ba Tư Rumi thế kỷ thứ 13, người có ảnh hưởng lớn đến văn học Hồi giáo, những vần thơ như muốn nhắc nhở và đánh thức lại sự to lớn, giàu có vốn tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta cần lắm những lời nhắc nhở như thế trong thời đại tù mù những giá trị này.

Cái gì có thể giúp các bạn trẻ tạo nên đôi cánh? Đại học là một con đường, tuy chắc không phải con đường duy nhất, là nơi các bạn đang bước vào và theo đuổi việc học. Đại học có thể đem lại những giá trị nào? Charles William Eliot, Chủ tịch của Đại học Harvard, người biến Harvard từ một trường college tỉnh lẻ lên thành một đại học nghiên cứu ưu việt, trong một bài diễn văn năm 1876 phát biểu về những giá trị mà đại học có thể mang lại.

“Sự vĩ đại đích thực của một quốc gia không nằm ở lãnh thổ, thu nhập, dân số, thương mại, hoa màu hay hàng chế biến, mà chính ở các giá trị tinh thần và phi vật chất; ở sự tinh khiết, sự dũng cảm và tính chính trực của dân tộc đó, ở thi ca, văn chương, khoa học và nghệ thuật mà dân tộc đó đã tạo ra, ở giá trị đạo đức của lịch sử và đời sống của họ. Đối với quốc gia, cũng như cá nhân, không có gì khác hơn là sự ưu việt đạo đức mới là bất biến và vĩnh cữu có lợi. Các đại học, được dìu dắt khôn ngoan, lưu trữ vốn tri thức của giống nòi, và trở thành những nguồn suối của sức mạnh tinh thần và đạo đức. (Charles W. Eliot, 1876)

Thời điểm bài nói chuyện của Eliot chưa lâu lắm. Nó nằm trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của đại học châu Âu, đang lan truyền, tạo chuyển biến có tính chất cách mạng đến Mỹ và dần dần đến khắp thế giới.

Khoa học

Ngày 4-7 vừa qua, thế giới nhận được tin “hỏa tốc”, rằng Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân CERN ở biên giới Thụy Sĩ và Pháp cuối cùng đã tìm ra hạt Higgs. Cuộc săn lùng gần nửa thế kỷ đã thành công. Với cơ chế hạt Higgs, các hạt cơ bản tạo ra vật chất trở nên có khối lượng. Bạn hãy tưởng tượng, vũ trụ là cánh đồng bùn bất tận, và bạn đi trong đó. Bạn sẽ thấy có sức nặng dưới chân. Đó chính là bạn đã có khối lượng từ sự tương tác của bạn với cánh đồng bùn. Không có hạt Higgs, không có thế giới, trái đất, và cả chúng ta.

Cách đây hơn hơn 3 thế kỷ, Newton đã đề ra hai khái niệm quan trọng: khối lượng và lực hấp dẫn, mà không lý giải được chúng là gì và từ đâu mà có. Phải đợi đến năm 1915, tức sau hơn 200 năm, Einstein mới giải mã được lực hấp dẫn bằng thuyết tương đối rộng của mình. Điều đó đã đem lại cho ông vinh quang tột đỉnh. Giờ đây, khái niệm khối lượng cũng được giải mã luôn.

Đó là câu chuyện thời sự.

Nhưng khoa học không phải khám phá những định luật tận cùng của vũ trụ chỉ để hiểu biết thuần túy về lý thuyết, mà có những đóng góp rất quyết định vào sự thay đổi căn bản bộ mặt xã hội thế giới. Không có các cuộc cách mạng khoa học, cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp là những người anh em sinh đôi, khó hình dung được cuộc sống ngày nay của chúng ta với những phúc lợi và tiện nghi như iPhone, iPad, ô-tô có hệ thống định vị GPS…

Lịch sử khoa học

Khoa học mà chúng ta hôm nay học được các sử gia xem bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên (CN) với các nhà khoa học đầu tiên như Thales, Anaximander, Anaximanes của thành phố Miletos, Hy Lạp cổ. Ý tưởng vĩ đại của họ là thế giới có thể được hiểu bằng lý trí của con người, chỉ cần có óc tò mò, quan sát và không mê tín. Thế giới theo họ không phải là chỗ tụ tập của thần linh để tùy tiện hoạt động và điều khiển, mà thế giới vận hành theo một cơ chế phức tạp với những định luật vĩnh cửu nội tại như một cosmos. Những người Babylon, Ai Cập biết nhiều về quy luật của các quỹ đạo tinh tú và hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, nhưng họ chỉ tin đó là những sự huyền bí tôn giáo và không quan tâm tìm những lời giải thích bằng khoa học. Thời kỳ Thales được gọi là thời Khai minh Ionia, với văn hóa khai phóng và khoa học phát triển mạnh mẽ, chế độ chính trị thông thoáng, xuất phát từ vùng có địa danh Ionia phía Đông Hy Lạp, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế kỷ thứ 6 cũng là thế kỷ chào đời của Phật Thích Ca, Lão tử và Khổng tử ở phương Đông. Đó là một sự trùng hợp rất thú vị.

Nhưng rồi khoa học phải chia tay dòng suối hoạt động trí thức vào thế kỷ thứ 3  trước CN sau khi đã đi vào trung tâm sinh hoạt văn hóa của Hy Lạp, để rồi sau Plato, Aristote dần dần nhường chỗ cho những quan tâm về đạo đức, tôn giáo và siêu hình. Đến thế kỷ thứ 6 sau CN, Hoàng đế Justinian của Đế chế Byzantin (La Mã phía Đông, thủ đô Constantinople, nay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) đóng cửa các trường triết học Athens vì những gì được dạy ở đó không phù hợp với tinh thần của Kitô giáo. Năm trước, nhà triết học La Mã quan trọng cuối cùng Boethius cũng bị xử tử. Hai sự kiện trên kết thúc giai đoạn phát triển tri thức cổ đại. Học thuật Hy Lạp không còn được chú ý. Châu Âu bước vào giai đoạn lịch sử gọi là “Thời kỳ đen tối”.

Mãi 2.000 năm sau, tức thế kỷ thứ 17, khoa học mới bừng sáng lại, với Galilei, Kepler, Descartes và Newton. Thế kỷ 17 là khúc quanh quan trọng của nhân loại đánh dấu thời đại khoa học và tư duy con người được cởi trói khỏi các sợi dây trói buộc thời Trung cổ. Trước đó, như khúc dạo đầu, năm 1543, Copernicus đã xuất bản “Về sự chuyển động quay của các thiên thể”, gọi tắt Chuyển động quay, cho rằng mặt trời mới là trung tâm và trái đất mới quay xung quanh nó, không phải ngược lại. Ông chỉ dám phổ biến quan điểm đó trước khi ông mất, vì sợ quyền lực nhà thờ. Vũ trụ, cosmos, là một phần quan trọng trong đức tin của Thiên chúa giáo La Mã. Ai muốn thay đổi trật tự không tránh khỏi bị trừng phạt.

Nhưng nửa thế kỷ sau cuốn sách Chuyển động quay của Copernicus, Galilei, như một Columbus trên trời, dám tranh đấu quyết liệt cho thuyết Copernicus sau khi ông nhìn thấy chứng cứ trên trời qua viễn vọng kính tự tạo. Ông là người đầu tiên biết dùng viễn vọng kính để khám phá bầu trời và là người nhìn thấy nhiều nhất, do đó cũng bức xúc nhất. Cuộc đấu tranh kéo dài 24 năm rất gian truân, với cao điểm là tác phẩm nổi tiếng Dialogue, Đối thoại, được xuất bản năm 1632, để rồi kết thúc ngay sau đó bằng bản án lịch sử của nhà thờ bắt ông thề bỏ tín điều khoa học và ông đã bị quản thúc cho đến chết. Trong tuyệt vọng, vào những năm cuối đời, ông còn kịp viết thêm tác phẩm lớn Discorci (Nghị luận và Chứng minh Toán học về Hai khoa học mới thuộc Cơ học và các Chuyển động), làm nền tảng của ngành vật lý hiện đại.

Ngay sau bản án, các sách cấm Dialogue và Discorsi được phổ biến ở nước ngoài, truyền cảm hứng cho cộng đồng khoa học châu Âu và tín hiệu của sự bứt phá. Isaac Newton là một trong những người đã đọc những cuốn sách đó ở tuổi thanh niên. Khoa học bừng lên phát triển như sau cơn ngủ đông dài 2.000 năm tại Hà Lan, Anh, Pháp, Đức. Trung tâm học thuật, từ Hy Lạp chuyển qua Ý, giờ đây chuyển lên phía Bắc châu Âu. Cả 200 năm sau bản án Galilei, buồn thay nước Ý “không dám” có nhân tài đáng kể nữa.

Năm 1687, nghĩa là 45 năm sau ngày mất của Galilei, tác phẩm vĩ đại Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên, gọi tắt là Principia của Newton ra đời, phát triển và khái quát hóa những khám phá của Galilei và Kepler thành khoa học hiện đại có giá trị phổ quát với sự chứng minh chặt chẽ toán học, mở ra một thời kỳ mới của khoa học không thể đảo ngược.

Khoa học hiện đại, cái mà chúng ta học ngày nay hình thành khá đầy đủ hình dạng vào thế kỷ 17, khi hai dòng thác “âm dương” hội tụ: đó là khoa học lý thuyết, episteme, và kỹ thuật ứng dụng, techne. Người thực hiện sự kết nối, tổng hợp của hai dòng thác này chính là Galilei, con người của cả lý thuyết lẫn thực hành.

Đặc điểm của xã hội phương Tây là không ngừng chuyển động. Các lực lượng sản xuất phát triển liên tục từ các thế kỷ 8, 9 đến 15, 16 của thời Phục hưng. Một lực lượng nghệ nhân, thủ công, tính toán, xây dựng đông đảo xuất hiện. Họ đều là những nghệ nhân đa năng, những người thực hành rất giỏi, tuy không được đào tạo qua trường lớp về lý thuyết. Hình tượng cao nhất của những con người đa năng đó là Leonardo da Vinci (1452-1519), một tài năng kiệt xuất.

Trong khi đó, khoa học dưới dạng kinh viện cũng không ngừng phát triển trong các đại học. Khoa học, triết học, y khoa, toán học của Hy Lạp cổ đại và Arab, thông qua cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 12 và 13, vẫn được tiếp tục phát triển trong đại học, tuy có phần bị che khuất bởi tấm vải giáo điều được tạo ra sai lầm từ triết học Aristote và kinh thánh. Nhưng sự kỳ diệu cuối cùng đã đến: sự hợp nhất của lý thuyết và thực hành, của hình ảnh học giả và người thợ thủ công để cho ra đời khoa học hiện đại. “Khoa học nối kết lý thuyết và thí nghiệm bắt đầu thật sự với công việc của Galilei”, như Einstein & Infeld nói.

Joseph Needham, nhà Trung Quốc học lớn của thế kỷ 20 đặt câu hỏi tại sao hai dòng thác đó lại hội tụ tại phương Tây mà không phải tại phương Đông? Có nhiều cách lý giải. Joseph Needham tự trả lời: “Mối quan tâm đến tự nhiên không đủ, thí nghiệm có kiểm soát không đủ, phép quy nạp, thực nghiệm không đủ, sự tiên đoán nhật thực, nguyệt thực và tính toán lịch không đủ - tất cả những điều đó người Trung Hoa đã có; rõ ràng chỉ một nền văn hóa trọng thương (mercantile) mới có năng lực thực hiện được những gì mà một nền văn minh nông nghiệp quan liêu không làm được, tức là hợp nhất được những ngành trước đó bị chia cắt của toán học và nhận thức tự nhiên”.

Trước thế kỷ 16, các nền văn minh lớn của thế giới xem như gần gũi nhau, nhưng từ thế kỷ 17 trở đi, châu Âu đã bứt đi một cách không đảo ngược được. Lịch sử đã phân kỳ với các hệ quả ghê gớm cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đại học

Đại học có tiền thân từ khoảng cuối thế kỷ 11 và 12 thời Trung cổ, tại cái nôi châu Âu. Sự ra đời của đại học Bologna, Paris, Oxford và Cambridge chấm dứt đêm dài của thời kỳ đen tối. Đó là sự chuyển động của học thuật ra khỏi tu viện để thâm nhập vào xã hội. Các tu sĩ tin rằng nó sẽ phát triển tốt hơn, rộng rãi hơn, phục vụ xã hội nhiều hơn. Học thuật bắt đầu lan tỏa xuyên quốc gia và phát triển mạnh.

Đại học Trung cổ đánh dấu sự ra đời của một tầng lớp trí thức độc lập, không lệ thuộc vào bộ máy quyền lực và bổng lộc, muốn có vai trò tích cực trong xã hội như những tác nhân, người sáng tạo, không giống nhiều nền văn hóa khác mà ở đó sự sáng tạo đã bị trao về bộ máy cầm quyền hay cho thần linh, tôn giáo, con người không có vai trò gì đáng kể trong cuộc khám phá vĩ đại của nhân loại. Lịch sử của châu Âu là lịch sử của sự khẳng định con người, cá nhân với dấu ấn mạnh mẽ của nó, từ suối nguồn của văn minh Hy Lạp: “Các dân tộc khác làm ra thần thánh, vua chúa và ma quỷ. Chỉ có dân tộc Hy Lạp làm ra con người” (W. Jaeger).

Nói đến đại học Trung cổ không thể không nói đến cuộc dịch thuật vĩ đại cùng thời kỳ để chuyển ngữ sang tiếng Latinh những tác phẩm kinh điển của các học giả Hy Lạp như Aristote, Euclid, Hippocrates, Galen, Ptolemy và của một số học giả Ả rập như Alhazen (Quang học), al-Khawarizmi (Đại số). Cuộc dịch thuật này ảnh hưởng quyết định đến đời sống trí thức châu Âu trong việc hình thành một thế giới quan đầy tính lý tính, logic, khoa học xem thế giới là một cỗ máy được tổ chức tinh vi nhưng có thể hiểu được, từ các hành tinh đến con người, động vật, vật chất vô sinh, thể hiện tiếp truyền thống của Khai minh Ionia.

Tại Trung Hoa, cùng lúc, phong trào học thuật sống dậy cũng vào thế kỷ 12, với chủ nghĩa Tân-Khổng giáo, Chu Hy, người tiêu chuẩn hóa các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh dùng cho các kỳ thi hoàng gia chọn nhân tài phục vụ bộ máy nhà nước và tồn tại cho đến thế kỷ 20. Nhưng nền học thuật Trung Hoa thiếu các hạt giống khoa học, triết học của Hy Lạp và phương Tây. Khổng giáo không quan tâm đến khoa học, chỉ quan tâm đến đạo đức và nhân văn.

Cuối thế kỷ 15, châu Âu hầu hết được bao phủ bởi một mạng lưới đại học đáng kể, ước tính có khoảng trên 80 đại học mà phần lớn vẫn còn tồn tại hôm nay. Nước Anh, ngoài Oxford, Cambridge, có thêm các đại học Glasgow, St. Andrew, Aberdeen. Bắc Âu có Kopenhagen, Uppsala. Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha có rất nhiều đại học. Trong thời gian 1350-1500 có khoảng 750.000 người đã ghi danh, một con số rất ấn tượng trong thời bấy giờ.

Nhưng khi cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 diễn ra thì đại học chưa phải là cái nôi của khoa học, một sự “trớ trêu” của lịch sử! Khoa học mới nảy mầm từ thực nghiệm, được tiến hành dưới dự bảo trợ của các mạnh thường quân, hay của các đại danh tại các lãnh địa, nhưng không diễn ra trong khuôn viên đại học. Vì sao? Bởi vì đại học lúc bấy giờ còn bị chiếm lĩnh bởi tinh thần kinh viện giáo điều và xem thường thực nghiệm. Muốn cho khoa học tiến vào đại học, châu Âu phải cần có một cuộc cách mạng tiếp nối. Đó là cuộc cách mạng của đại học Đức theo tinh thần của Wilhelm von Humboldt vào đầu thế kỷ 19.

Đại học Humboldt

Nếu với sự ra đời của đại học Trung cổ, học thuật được thể chế hóa, tạo ra cái nhà của minh triết thì 6 thế kỷ sau, với sự ra đời của đại học Đức theo tinh thần Humboldt, khoa học được thể chế hóa rộng rãi ở một cấp bậc cao. Thể chế hóa học thuật là đặc thù của châu Âu, mà các nền văn minh khác, như Islam hay Trung Hoa, tuy từng có những tiến bộ lớn hơn, nhưng lại không có.

Đại học Berlin (Đại học Humboldt) được thành lập năm 1810. Với Wilhelm von Humboldt, đại học trở thành đại học của khoa học, văn hóa, của sự tự rèn luyện toàn diện nhân cách con người, nên có mang tính đạo đức, nhân văn và là hạt giống trí tuệ của quốc gia. Đại học Berlin, cùng với cuộc cải cách giáo dục phổ thông của Humboldt, mang sứ mệnh làm chuyển đổi cả một nhà nước cũ kỹ vừa bị quân đội của Napoleon đánh sập thành một nhà nước hiện đại để vực dậy đất nước, “lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát vật chất”. Humboldt là người đã nhìn thấy xa các yêu cầu tối thượng của cuộc canh tân đất nước, và Đại học Humboldt chính là đại học trồng người, và là nguồn nguyên khí quốc gia cho mục tiêu đó.

Đại học Humboldt đã khơi đúng mạch tri thức của thời đại tích tụ từ thời Kepler, Galilei, Descartes và Newton, và dần dần trở thành bà mẹ, alma mater, của đại học hiện đại thế giới. Bên kia bờ Đại Tây Dương, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của đại học Đức, nước Mỹ tiến hành cuộc cách mạng giáo dục đại học trong những năm của nửa sau thế kỷ 19, với những con người đã từng học tại các đại học Đức. Khoa học bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ và vũ bão trên toàn thế giới.

Khoa học vào phương Đông

Còn phương Đông thì sao? Văn minh của Đông và Tây đã khá sớm mang đậm những nét đặc thù của sự phân kỳ. Hai lối tư duy trong học thuật của Đông Tây hình thành cùng thời kỳ, giai đoạn Hy Lạp hóa (Hellenistic) ở phương Tây, và giai đoạn nhà Hán ở phương Đông, khoảng hai thế kỷ trước và sau Công nguyên nhưng rất khác nhau. Một bên cái học chuộng triết học, biện chứng, y khoa, các khoa học toán như số học, hình học, thiên văn, tĩnh học; một bên sự học Khổng giáo được nâng lên thành giá trị cao nhất, y khoa và toán học chiếm hàng thứ yếu. Trong khi cái học của phương Tây mang đậm tính chất hùng biện và logic, phân tích và tranh luận để tìm cái mới, thì cái học của Trung Hoa đậm nét của sự học, từ chương, trả bài, theo chính thống. Có lẽ khẩu hiệu của Plato trước phòng làm việc: “Ai không thành thạo hình học thì đừng vào đây” minh họa tinh thần học thuật đượm nét khoa học cao độ của học thuật phương Tây. Cũng chưa ở đâu trên thế giới xuất hiện đông đảo các nhà khoa học trí thức như ở Hy Lạp: Thales, Pythagoras, Zeno, Democritos, Hippocrates, Plato, Aristote, Euclid, Aristarchos, Archimedes, Ptolemy và còn nhiều người nữa. Galilei đã từng xem Archimedes là thầy của mình, và ngược lại ông cũng được xem là một Archimedes của thời cận đại.

Chúng ta cần nhìn vào phản ứng của hai quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản để thấy sự khác biệt cơ bản khi khoa học được du nhập. Khoa học phương Tây được truyền vào Trung Hoa khá sớm, từ thế kỷ 17, theo chân các cha Dòng Tên. Nhưng vua quan Trung Hoa nhất định không muốn chấp nhận sự ưu việt của khoa học phương Tây, mà chỉ muốn tự hào về sự ưu việt của di sản văn hóa đồ sộ mình. Họ dùng âm dương, ngũ hành, kinh dịch để lý giải mọi việc trên đời, từ khoa học, y học đến đời sống, tương lai, vận mệnh con người và xã hội. Họ tìm cách quy chiếu tất cả khoa học hiện đại phương Tây về khoa học cổ truyền Trung Hoa, và cho rằng khoa học phương Tây đã có gốc rễ trong di sản khoa học Trung Hoa rồi. Họ chỉ xem phương Tây có công nghệ, kỹ thuật hữu dụng thôi, điều đó họ cần học để làm lịch, chế tạo súng đạn và tàu chiến, và chỉ thế thôi. Khẩu hiệu “Trung học vi thể, Tây học vi dụng” (Sự học Trung Hoa phục vụ cái căn bản, Sự nghiên cứu phương Tây phục vụ cái hữu dụng) của Trương Chi Đông vào năm 1898, diễn tả thái độ nói trên. Cuối thế kỷ 18, đầu 19, vua Càn Long cũng từ chối bang giao thương mại với phương Tây, thực tế họ cũng đang xuất khẩu nhiều hàng hóa sang phương Tây. Nhưng họ không biết rằng Anh Quốc lúc đó, với sức mạnh vô địch của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, đang làm bá chủ trên biển và đang trở thành một “đế chế mặt trời không bao giờ lặn”. Trung Hoa thật sự đang chết lâm sàng mà không hay.

Còn Nhật Bản thì sao? Họ tự hào là con cháu của nữ thần mặt trời, không bao giờ tha thứ cho kẻ lạ mặt đặt chân lên đất nước họ. Khoa học phương Tây cũng được truyền vào đất nước này khá sớm. Chỉ vài năm sau khi Copernicus xuất bản tác phẩm Chuyển động quay ở châu Âu thì những vị truyền giáo phương Tây cũng đã có mặt ở Nhật Bản mang theo những kiến thức khoa học và y khoa. Nhưng Nhật Bản đã đóng cửa, đuổi hết họ, cũng như Việt Nam, để bảo vệ truyền thống văn hóa của mình, nhưng vẫn còn chừa một cửa ngõ thông thương và thông tin tại cảng Nagasaki với quốc gia duy nhất là Hà Lan để nghe ngóng tình hình thế giới.

Mãi cho đến năm 1853 khi những chiếc tàu đen của Commodore Perry bắn vào Tokyo để buộc mở cửa thông thương thì giai cấp cầm quyền samurai Nhật Bản tỉnh ngộ. Họ nhanh chóng mở cửa và cải cách toàn diện: chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục và quân sự. Họ đi tìm khai sáng ở phương Tây. Họ thuê cả mấy ngàn chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Nhật Bản để tư vấn họ, rất khẩn trương để khỏi bị phương Tây nuốt chững. Và chỉ khoảng 30 năm sau Minh Trị Duy Tân 1868, họ đã chiến thắng vang dội nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Nhật-Thanh 1894- 1895. Mười năm sau, họ đánh thắng luôn quân đội Nga hoàng. Các samurai đã liên tiếp quật ngã những người khổng lồ, cho thấy sức mạnh vô địch của cuộc cải cách theo mô hình phương Tây. Họ có thể tự hào là dân tộc đầu tiên đã mang ánh sáng khoa học và văn minh phương Tây về châu Á.

Vì sao Nhật Bản thành công thần tốc như thế? Hãy nhìn vào văn hóa đọc sách của họ. Họ là một dân tộc cực kỳ năng động và tò mò. Những cuốn sách, như Bàn về tự do, Tự-lo, bán ở phương Tây vài trăm ngàn bản, khi được dịch sang tiếng Nhật thời Minh Trị Duy Tân bán lên cả triệu bản; hay như những quyển sách được biên soạn của nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi. Người Nhật mê cuồng đọc sách thời mở cửa. Tại sao? Nhật Bản cũng là quốc gia theo Khổng giáo như Việt Nam và Hàn quốc. Nhưng nhìn sâu hơn, họ là dân tộc có văn hóa đọc và giáo dục đã phát triển mạnh mẽ ngay trong thời đóng cửa Tokugawa 1600-1868. Cuối thời này, Nhật Bản là quốc gia đầy ắp sách vở và trường học. Một đánh giá ước tính vào thời điểm Minh Trị, 40 - 50% con trai Nhật, và 15% con gái Nhật đều có qua trường lớp ngoài gia đình. (Việt Nam lúc đó còn mù chữ phổ biến). Điều này cho thấy mức độ biết chữ của Nhật Bản lớn hơn tất cả những quốc gia phương Tây có cùng sự phát triển kinh tế. Một người Pháp viết năm 1877 rằng “giáo dục sơ cấp ở Nhật Bản đã đạt đến mức độ làm cho chúng ta xấu hổ… Không có làng nào mà không có trường học, hầu như không có người nào không biết đọc…”.

Trong hơn 2,5 thế kỷ rưởi đóng cửa được canh gác chặt chẽ, trí thức Nhật đã làm nên một cuộc dịch thuật khoa học vĩ đại từ sách vở Hà Lan để hiểu cuộc cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra ở châu Âu. Cuộc dịch thuật khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng, nhưng trí thức Nhật đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh. Cuộc dịch thuật này góp phần thay đổi hệ tư duy truyền thống của Nhật Bản nhanh chóng trong thời Minh Trị. Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, nhất là của giới tinh hoa cầm quyền samurai, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh, khai trí và để khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không học. 1.000 năm trước họ đã học Trung Hoa. 1.000 năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ mất mặt. Và họ đã thành công. Cả thế giới kính nể.

Chúng ta, những người Việt Nam, có một món nợ rất lớn đối với lịch sử: Đó là thiếu ý thức và hiểu biết đầy đủ về sức mạnh của khoa học, công nghệ, của giáo dục, và các thể chế cần thiết trong việc xây dựng một đất nước phú cường.

Văn minh của Đông và Tây đã khá sớm mang đậm những nét đặc thù của sự phân kỳ. Hai lối tư duy trong học thuật của Đông Tây hình thành cùng thời kỳ, giai đoạn Hy Lạp hóa (Hellenistic) ở phương Tây, và giai đoạn nhà Hán ở phương Đông, khoảng hai thế kỷ trước và sau Công nguyên nhưng rất khác nhau. Một bên cái học chuộng triết học, biện chứng, y khoa, các khoa học toán như số học, hình học, thiên văn, tĩnh học; một bên sự học Khổng giáo được nâng lên thành giá trị cao nhất, y khoa và toán học chiếm hàng thứ yếu. Trong khi cái học của phương Tây mang đậm tính chất hùng biện và logic, phân tích và tranh luận để tìm cái mới, thì cái học của Trung Hoa đậm nét của sự học, từ chương, trả bài, theo chính thống.

Lý tưởng tuổi trẻ

Trong bài diễn thuyết trước học sinh trường trung học Springfield bang Illinois năm 1838, Abraham Lincoln nói, những cánh đồng vinh quang của quá khứ đã được thu hoạch và sử dụng rồi, nhưng những người thu hoạch mới chắc chắn sẽ xuất hiện, do đó họ phải tìm cho mình một cánh đồng mới và gieo trồng lấy. Họ có thể tìm lấy vinh quang bằng cách hỗ trợ và gìn giữ một lâu đài được xây nên bởi người khác chăng? Chắc không. Thiên tài cao ngất xem thường lối mòn đã đi. Họ tìm những vùng đất chưa bao giờ khai phá. Họ không tìm sự khác biệt trong việc thêm bớt một hai chi tiết ở những tượng đài của sự nổi tiếng được dựng lên trong ký ức của những người khác. Họ ghét bước theo dấu chân của bất cứ ai khác, dù nổi tiếng đến đâu. Họ khao khát cháy bỏng sự khác biệt.

Chúng là những cột trụ của lâu đài độc lập, tự do, Abraham Lincoln nói tiếp. Chúng đang bị vỡ đi, tòa lâu đài sẽ có nguy cơ sụp đổ, trừ khi chúng ta, những kẻ hậu sinh, cung cấp những cột trụ mới, nhưng lấy từ đâu?, - từ những tảng đá rắn chắt của lý trí tỉnh táo. Sự cuồng nhiệt (passion) đã giúp chúng ta một thời, nhưng có thể nguy hiểm trong tương lai. Lý tính (reason), lý tính tỉnh táo, được suy tính và không cuồng nhiệt, sẽ cung cấp cho chúng ta các chất liệu cho sự hỗ trợ và bảo vệ tương lai. Hãy để các chất liệu ấy hun đúc thành trí khôn đầy đủ và đạo lý trong sáng trước tình yêu và sự kính trọng những quyền lợi tối thượng của tổ quốc. Chúng ta không cho phép các đôi chân thù địch dẫm lên hay báng bổ chỗ an nghĩ thiêng liêng của những anh hùng liệt sĩ dân tộc, hay đánh thức họ dậy.

Abraham Lincoln viết những dòng hùng hồn trên về lý tưởng tuổi trẻ lúc chỉ mới 28 tuổi. Thực tế, Abraham Lincoln đã sống đúng với những gì ông đã viết, và ông là một cột trụ không lay chuyển được của lịch sử Hoa Kỳ.

Các bạn trẻ hãy chứng tỏ rằng tương lai đất nước này thuộc về các bạn, rằng các bạn sẽ cung cấp cho đất nước này mỗi người mỗi cách những cột trụ vững chắc mới để chống đỡ, thì đất nước mới được vững bền!

Hãy gìn giữ lý tưởng cho đường xa. Không phải “lấy ngắn nuôi dài” như người ta thường nói về cách làm ăn của những người nghèo, điều đó thông cảm, mà ngược lại “lấy dài, lấy lý tưởng vô hạn của các bạn, để nuôi dưỡng các bước chân hữu hạn trên đường xa” của những người giàu, rất giàu lý tưởng, để chúng ta trở lại những ý tưởng cao cả ban đầu của nhà thơ Rumi!

NGUYỄN XUÂN XANH
 

;
.
.
.
.
.