.

Tận tâm với học trò

.

Gần 35 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, cô giáo Quách Thị Ngọc Lâm (ảnh), Hiệu phó Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh. Đến nay, nhiều học trò cũ của cô Lâm đã trưởng thành, làm việc ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước. Điều làm cô Lâm hạnh phúc nhất là vào dịp lễ, Tết, nhiều học sinh cũ đã tìm đến cô với tình cảm thân thương, gần gũi như những người thân gặp lại sau thời gian xa cách.

Thương học sinh như người thân

Năm 1977, cô giáo Quách Thị Ngọc Lâm ra trường và nhận công tác ở Trường cấp 1, 2 An Hải Tây. Năm năm sau, cô được điều động dạy ở Trường cấp 1, 2 Chính Gián (nay là Trường tiểu học Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê). Từ năm 1992 đến nay, cô dạy ở Trường tiểu học Trần Cao Vân. Theo cô Lâm, những tháng ngày công tác ở Trường tiểu học Trần Cao Vân là quãng thời gian để lại trong cô nhiều cảm xúc, kỷ niệm sâu sắc nhất.

Cô Lâm bồi hồi nhớ lại, năm học 1998-1999, trong lớp 5 cô làm chủ nhiệm, có em Huy học giỏi nhất lớp, nhưng hoàn cảnh em rất khó khăn. Bố Huy đạp xích lô, mẹ bán hàng rong. Qua tìm hiểu, biết Huy có nguyện vọng thi vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Khuyến, cô Lâm đã tích cực bồi dưỡng miễn phí, cũng như gần gũi, động viên em nỗ lực vươn lên để thực hiện ước mơ. Không phụ lòng người cô hết mực thương yêu, dạy dỗ mình, Huy đã đỗ vào Trường THCS Nguyễn Khuyến.

Nhưng trớ trêu thay, mẹ của Huy lại không cho em học, bởi lẽ gia đình quá nghèo, chỗ học lại xa nhà, khó khăn trong việc đưa đón. Thương học trò, cô Lâm lại tất tả đến nhà Huy động viên, giải thích để bố mẹ em hiểu, đồng thời kêu gọi các thầy cô ở Trường THCS Nguyễn Khuyến tạo điều kiện giúp đỡ em theo đuổi ước mơ của mình.

Trong năm học kế tiếp, cũng ở lớp 5 cô chủ nhiệm, có trường hợp em Xuân Hoàng cũng gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự em Huy. Mẹ Hoàng đau ốm liên miên, còn bố lúc này học ở thành phố Hồ Chí Minh. Để tạo điều kiện cho Hoàng yên tâm học tập, cô Lâm nhận “bao cân” việc ăn ở, học tập của em. Hằng ngày, ngoài giờ học trên lớp, buổi trưa cô đưa Hoàng về nhà mình ăn ở, rồi bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho em. Đến chiều, cô chở Hoàng về nhà với gia đình. Cứ vậy, ròng rã suốt cả năm học, Hoàng gắn bó với gia đình cô Lâm chẳng khác nào con cái trong nhà. Sau này, khi đã học cấp 2, cấp 3, mỗi lần Hoàng có biểu hiện học hành chểnh mảng, mẹ em lại “cầu cứu” cô Lâm nhờ khuyên can, giúp đỡ. “Tôi khuyên nhủ, động viên, em nghe theo, nên tôi cảm động lắm”, cô Lâm tâm sự.

Sâu nặng nghĩa tình thầy trò

Năm 2001, cô Lâm được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường tiểu học Trần Cao Vân. Dù làm công tác quản lý, nhưng hằng ngày cô vẫn luôn theo sát các em học sinh. Phát hiện trường hợp em nào có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, cô sẵn sàng giúp đỡ ngay. Năm ngoái, biết hoàn cảnh em N.T.Đ.T có bố mẹ tự thiêu qua đời, để lại em và người anh trai bơ vơ, cô Lâm đứng ra vận động các giáo viên nhà trường đóng góp tiền làm sổ tiết kiệm tặng cho em T., giúp em vượt qua những khó khăn trước mắt, ổn định việc học hành. Không những thế, hằng ngày cô thường gần gũi, động viên em trong những giờ đến lớp.

Cả cuộc đời đi dạy học, phần quà đầy ý nghĩa nhất mà cô Lâm nhận được đó chính là sự kính yêu, quý mến của nhiều thế hệ học trò mà cô đã cất công dạy dỗ nên người. Cô Lâm chia sẻ: Cứ mỗi dịp lễ 20-11, hay Tết, nhiều học trò cũ tìm đến nhà thăm hỏi, hoặc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, tình hình cuộc sống gia đình… làm cô thật sự xúc động. Trong đó, một số học trò cũ như Huy, Xuân Hoàng lúc nào cũng gọi cô bằng hai tiếng thân thương “Mẹ Lâm”, làm cô cảm động đến rơi nước mắt. “Cả cuộc đời dạy học, đến lúc gần nghỉ hưu mà vẫn còn nhận được những tình cảm, sự quan tâm của học trò cũ như thế, tôi cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm”, cô Lâm nói.

Theo ông Phan Chánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Cao Vân, cô Lâm luôn là người nghiêm túc trong công việc, và cũng tận tụy hết mình chỉ bảo, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên nhà trường, nhất là những giáo viên trẻ trong công tác chuyên môn, cốt để việc giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Còn với học sinh, cô luôn gần gũi, sẻ chia với từng hoàn cảnh khó khăn của các em. Cô Lâm là mẫu người tận tụy với ngành, với nghề, thật sự là tấm gương sáng cho thầy và trò học tập, noi theo.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.