.

Gieo chữ ở đất nghèo Hòa Bắc

.

Địa bàn rừng núi chia cắt, ngoài điểm trường chính ở thôn Phò Nam, hằng ngày các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) phải vượt gần chục cây số sang các điểm lẻ để mang ánh sáng tri thức đến cho học sinh.

Đường sá đi lại vất vả, nhiều lúc phải bì bõm lội nước càng thấy được nỗi vất vả, cũng như tấm lòng của người thầy nơi đây đối với những học sinh ở vùng quê nghèo khó.

Cô Trịnh Thị Ly Na, giáo viên Trường tiểu học Hòa Bắc tận tình hướng dẫn học sinh lớp 2 làm Toán.
Cô Trịnh Thị Ly Na, giáo viên Trường tiểu học Hòa Bắc tận tình hướng dẫn học sinh lớp 2 làm Toán.

“Chạy sô” mang chữ đến với học sinh

Trường tiểu học Hòa Bắc có tổng cộng 5 khu vực nằm rải rác ở các thôn trên địa bàn xã Hòa Bắc. Ngoài điểm trường chính nằm ở địa bàn thôn Phò Nam, trường còn có 4 điểm lẻ ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Nam Mỹ, Nam Yên. Trong đó, có những điểm trường nằm cách xa nhau gần chục cây số. Mùa nắng ráo còn đỡ, chứ vào mùa mưa, một số đoạn đường ngập nước, các thầy cô giáo phải bì bõm vượt suối để đến với học sinh.

Năm học 2012-2013, ở điểm trường lẻ tại khu vực thôn Tà Lang có hơn 20 học sinh người Kinh và người dân tộc Cơtu theo học, do hai cô giáo Nghiêm Thị Bông (quê ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Ngô Thị Kim Dung (quê ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phụ trách. Hằng ngày, các cô đi xe máy từ nhà đến điểm trường thôn Tà Lang. Dạy xong buổi sáng, buổi trưa hai cô ở lại nhà công vụ phía sau lớp học để buổi chiều tiếp tục lên lớp. Các cô tâm sự, siêng thì hai chị em nấu nướng tươm tất, còn không nhiều bữa ăn qua quýt gói mì tôm lót dạ cho xong. Về công tác ở Trường tiểu học Hòa Bắc đã gần 10 năm nay, phụ trách ở nhiều điểm trường trên địa bàn xã Hòa Bắc, các cô đã quen với khó khăn, vất vả. “Thật tình nhiều lúc cũng chạnh lòng. Nhưng thấy học sinh ở đây ham học, lễ phép và quý mến thầy cô, nên cũng phần nào cảm thấy vui, hạnh phúc”, cô Bông tâm sự.

So với các giáo viên phụ trách ở khu vực, giáo viên bộ môn có phần vất vả hơn đôi chút. Bởi lẽ, hằng ngày họ phải “chạy sô” đến các điểm trường để dạy. Năm nay là tròn 10 năm thầy giáo Nguyễn Đức Kha công tác tại Trường tiểu học Hòa Bắc. Hằng ngày, thầy dậy lúc tờ mờ sáng để vượt quãng đường hơn 40km từ nhà ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) lên Hòa Bắc dạy bộ môn Âm nhạc. Vừa hết giờ ở điểm trường chính, thầy tất tả chạy đến các điểm trường lẻ truyền đạt kiến thức cho các em. Thầy Kha kể, mùa nắng thì chẳng sao, chứ gặp mùa mưa, đường sá ngập nước, có hôm tôi phải đi thật nhanh cho kịp giờ vào lớp. Kết thúc một ngày đi “gieo chữ”, lúc về đến nhà, vợ con đã ngủ từ lúc nào.

Động viên nhau vượt khó

Ở Trường tiểu học Hòa Bắc, ngoài trường hợp thầy Kha, còn có nhiều giáo viên nữ ở các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu lên đây công tác trong gần 10 năm qua. Hằng ngày, các cô vẫn thức khuya dậy sớm vượt hàng chục cây số để đến trường. Nhà xa, không thể về, buổi trưa các cô thường ở lại nhà dân hoặc nhà công vụ để nấu ăn, dạy tiếp buổi chiều.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, để chia sẻ những khó khăn vất vả cho nhau, với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, nhà trường phân công đứng điểm ở các khu vực lẻ theo cách luân phiên chuyển đổi quay vòng trong từng năm học. Còn đối với những giáo viên bộ môn, do đặc thù riêng, bất kể mưa, nắng, hằng ngày các thầy cô giáo phải đến tất cả các khu vực lẻ để dạy học sinh. Dù điều kiện dạy học vất vả, nhưng đa số các giáo viên ở đây đều tâm niệm phải cố gắng khắc phục, vượt lên khó khăn, thách thức để mang cái chữ đến cho học sinh.

Bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, ở trường có nhiều giáo viên nhà ở dưới phố lên dạy học. Hằng ngày, các thầy, cô giáo phải vượt quãng đường hàng chục cây số. Hiểu và chia sẻ với những khó khăn này, lãnh đạo nhà trường luôn gần gũi, sẻ chia cả vật chất lẫn tinh thần, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành sứ mệnh cao quý của mình đối với thế hệ trẻ.

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng, với địa bàn đặc thù là xã miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô đã không ngại vất vả, băng rừng lội suối đến với các em học sinh. Đây là những tình cảm cao quý rất đáng trân trọng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.