.

Mong ước của cựu học sinh miền Nam Trường số 18

Có một thế hệ  học sinh miền Nam ra Bắc học tập trong đợt cuối cùng vào năm 1972, đã được nuôi dạy tại Trường số 18 (đóng tại tỉnh Hưng Yên).

Luật sư Võ Duy Dương, công tác tại Bảo hiểm Bảo Việt Đà Nẵng - một trong những học sinh thuộc thế hệ đó, anh ra Bắc khi chưa đầy 7 tuổi. Ký ức của anh còn lưu lại những hình ảnh của các cô, chú bảo bọc che chắn đưa những đứa trẻ vượt vĩ tuyến 17, qua vùng chiến khốc liệt cam go Quảng Trị năm 1972 để ra miền Bắc. Những tâm hồn non nớt chưa kịp cắt nghĩa thế nào là chiến tranh, nhưng họ phải xa cha mẹ, đau đớn hơn có người mãi mãi không bao giờ được gặp lại đấng sinh thành. Dẫu chung quanh có thầy cô chăm chút từng miếng ăn, dỗ dành trong giấc ngủ, có bạn bè cùng trang lứa vui đùa nhưng vẫn không khỏi những đêm nhớ nhà, nhớ hơi bố, hơi mẹ mà quấy khóc, đòi về không ngớt…

Khi hòa bình thống nhất, học sinh được đưa về quê hương, số người có bố mẹ hy sinh, không còn người thân được đưa vào nuôi dưỡng ở các trường nội trú do tỉnh thành lập. Nơi nào chưa có trường nội trú, học sinh được gửi về địa phương sinh sống. Song, cũng vì xa quê hương khi còn nhỏ nên có người chẳng nhớ, chẳng biết tên quê mình, lại chẳng còn bất kỳ người thân nào khác, sau đó trở thành người lưu lạc tha hương. Bên cạnh những người may mắn được nuôi dưỡng ăn học đến nơi đến chốn, bằng nghị lực đã thành đạt, còn có không ít người đang sống cuộc đời bình dị, khốn khó, “một nắng hai sương” nơi mảnh vườn, ao ruộng.

Năm 2009, Đảng và Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, tổ chức các đoàn trở về thăm lại mái trường xưa. Các lớp học sinh lớn dễ dàng nhận ra nhau thì lớp học sinh của Trường số 18 lại nghẹn ngào, vì chẳng thể nhận ra bạn bè, anh em. Bởi khi xưa chỉ là những đứa trẻ nhỏ xíu, bồng bế, chơi đùa cùng nhau mà giờ ai nấy tuổi đã xế chiều. Chỉ mừng mừng tủi tủi nhận nhau qua những câu chuyện về các thầy, các cô đã từng nuôi dưỡng. Càng buồn hơn khi trong khoảng 1.300 học sinh Trường số 18 lúc ấy mà nay chỉ gặp lại được mấy mươi người. Số người về tụ họp đa số là người thành đạt, có địa vị, có điều kiện. Những người còn lại, giờ này họ còn hay mất, đang ở đâu, làm gì khi số phận không may mắn như những bạn bè khác. Đó là câu hỏi đau đáu, trằn trọc trong giấc ngủ của những người thành đạt hôm nay!

Có lẽ, với nỗi mặc cảm nên đôi khi nhận ra người bạn thuở ấy giờ đã công thành danh toại nhưng họ yên lặng, chẳng dám nhớ, chẳng dám nhận người anh em. Họ giấu đi cái góc nhỏ của đời mình và vùi sâu vào sự lãng quên.

Anh Dương cho biết, ngày trước thế hệ các anh được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc nuôi dạy mới nên người như hôm nay. Nhưng cũng còn có người sống khó khăn, vất vả ở một nơi nào đó, vì thế số anh em mới gặp lại nhau gần đây đã quyết định tìm lại những người bạn năm xưa để cùng san sẻ những nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại.

Mong rằng, một ngày sớm nhất, được nghe tin hội tụ đủ đầy của các anh, các chị cựu học sinh Trường miền Nam số 18, nhất là trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1973-2013) sắp tới.

Mọi thông tin xin gửi về Ban liên lạc Trường số 18:

Trưởng Ban liên lạc: Đồng chí Nguyễn Đắc Dũng, Văn phòng Trung ương Đảng, số 8, Bạch Đằng, Đà Nẵng. ĐT: 0913.483.459.

Phó Ban liên lạc: Đồng chí Dương Đình Bảy, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng tại miền Trung, số 26, Trần Phú, Đà Nẵng. ĐT: 0914.213.122.

Thư ký Ban liên lạc: Luật sư Võ Duy Dương, Công ty Bảo Việt Đà Nẵng, số 97, Trần Phú, Đà Nẵng. ĐT: 0903.580.626

DIỆU ÁI
 

;
.
.
.
.
.