“Tháng thứ nhất: Còn chậm nhớ, chưa hòa đồng, tháng thứ hai: Đã chơi cùng các bạn, có tiến bộ, tháng thứ ba: Nhận diện con chữ, giao tiếp hòa nhập…”. Đó là những dòng ghi chi tiết trong sổ theo dõi của giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) dành cho các học sinh đặc biệt.
Cô giáo Đinh Thị Minh hướng dẫn Huệ và Trung sửa bài toán khó. |
Cô, trò cùng vượt khó
Lớp 5/2 của cô Đinh Thị Minh (52 tuổi) im phăng phắc trong giờ luyện tập Toán tăng cường. Chợt em Nguyễn Thị Huệ cười vò viên giấy ném lên dãy bàn trên. Một em khác “lãnh đạn” chực òa khóc. Cả lớp ồn như vỡ chợ. Cô Minh nhẹ nhàng dàn hòa và hướng dẫn Huệ tập trung vào trang vở. “Huệ cố gắng làm xong bài này, lát nữa cô gọi lên bảng nhé!”, cô Minh nói.
Thế là Huệ lặng lẽ ngồi im, đôi mắt nhìn vào trang vở, những nét bút khó nhọc chầm chậm. Được một lúc, Huệ lại xé giấy rải đều xung quanh chỗ ngồi. Lần này, cô Minh kiên nhẫn ngồi cạnh em để hướng dẫn từng bài toán, sửa ngay những bài em chưa hiểu. “Huệ bị thiểu năng trí tuệ nên việc tiếp thu khó hơn những học sinh khác. Bởi vậy, tôi luôn dành cho Huệ những bài toán dễ để em tiếp thu từ từ. Với các em khác, tôi thường thu vở về chấm, còn với Huệ thì tôi chấm ngay tại lớp để sửa cho em”, cô Minh cho biết.
Ngồi đầu dãy bàn của Huệ là em Nguyễn Xuân Trung bởi em trông chỉ như học sinh lớp 1, tóc lưa thưa vài sợi. Trung bị nhiễm chất độc da cam nên thể lực rất yếu. Tuy vậy, cô Minh bảo, có những hôm trời mưa to, Trung vẫn tự đến trường, không bỏ buổi nào. Vắng hơi ấm của mẹ và sự vỗ về của cha (cha mẹ Trung đều là thuyền viên đi biển dài ngày), hai anh em Trung phải tự chăm sóc nhau. “Dù không nhanh nhẹn như các bạn nhưng Trung rất chăm chỉ. Vì vậy, sức học của em rất khá”, cô Minh nói. Trong những giờ dạy hằng ngày, cô Minh luôn quan tâm riêng dành cho hai học sinh đặc biệt. Cô bảo, nhìn nét mặt các em thì biết có hiểu bài hay không. Những lúc các em chưa hiểu, cô phải giảng lại cho thật kỹ. Đầu tháng, Trung xin mẹ được 10.000 đồng để ủng hộ học sinh miền núi mua áo ấm đến trường. Cô Minh không nhận vì gia đình Trung rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của phường, nhưng em vẫn nhất quyết xin đóng.
Tấm thiệp “tự biên”
Với 17 học sinh khuyết tật, các thầy, cô giáo ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu có 17 cuốn sổ theo dõi. Mỗi ngày, sự cố gắng dù nhỏ nhất của các em cũng được ghi lại thật chi tiết. Cô giáo Nguyễn Thị Công Chính (35 tuổi, chủ nhiệm lớp 5/1) tâm sự: “Mỗi khi ghi hai chữ “tiến bộ” vào sổ, lòng mình lại mang niềm vui khôn tả”. Dù lớp cô Chính chỉ có một em khuyết tật nhưng cô luôn soạn một bộ giáo án riêng dành cho em. Trong số 17 em, có em khuyết tật về trí tuệ, có em khuyết tật vận động, có em nhiễm chất độc da cam, có em bị tự kỷ…
Cô Phạm Thị Thu Lan, Hiệu trưởng cho biết: “Trường có hơn 500 em ở các khối lớp, trong đó có 17 em khuyết tật học hòa nhập. Chúng tôi chia đều các em vào 16 lớp để các em được theo dõi, giúp đỡ tốt hơn”. Em Vĩnh học ít nhớ, mau quên; em Long thiếu tập trung trong học tập; em Nhân nói ngọng; em Lài chậm phát triển…, những đặc điểm đó đều được các thầy cô giáo trong trường thuộc lòng dù mỗi người chỉ dạy và chủ nhiệm một lớp. Tết đến, khi nhiều người tri ân thầy, cô giáo bằng quà thì các thầy, cô Trường tiểu học Võ Thị Sáu lại chuẩn bị quà… tặng cho các em. Người góp 100.000 đồng, 200.000 đồng; cô Chính, cô Uyên mua tặng các em áo ấm; thầy Khoa mua một thẻ BHYT cho học sinh nghèo… “Chuyện được nhận hoa vào dịp 20-11 với thầy, cô giáo trong trường quả thật rất hiếm, bởi hoàn cảnh các em đều nghèo, một số bị khuyết tật”, cô Đinh Thị Minh nói. Năm ngoái, cô Minh nhận được một tấm thiệp với dòng chữ nguệch ngoạc do một em khuyết tật tự làm tặng. Tấm thiệp đó được cô giữ mãi cho đến giờ. Cô Minh cho biết, món quà tặng ý nghĩa nhất với các thầy cô chính là dòng chữ “tiến bộ” trong mỗi quyển sổ theo dõi. Ở đó lấp lánh những giọt mồ hôi, nước mắt của thầy và trò trong hành trình giữa đời thường.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ