Suốt 37 năm làm nghề dạy học, lúc nào thầy cũng nghĩ đến trường lớp, đến các em học sinh thân yêu ở vùng quê nghèo khó. Thầy đã đi gõ cửa nhiều nơi để xin kinh phí xây dựng, mở mang trường lớp, bảo trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để em nào bỏ học giữa chừng.
Người thầy giáo đầy tâm huyết với nghề ấy là Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn tặng bông hoa điểm 10 cho học sinh. |
Duyên nợ với nghề
Thầy Tuấn nhớ lại, năm 1975, sau khi ra trường, thầy được phân công về Trường tiểu học Kim Liên (nay là Trường tiểu học Hải Vân) công tác. Hồi ấy, đất nước mới giải phóng, trường lớp ọp ẹp vách ván, học trò phải lấy tấm ri sắt làm ghế ngồi. Cả thầy và trò đều nghèo rớt mồng tơi, nhưng được cái, học sinh rất ham học và quý trọng thầy cô giáo.
Dạy học ở Trường tiểu học Kim Liên khoảng 3 năm, chẳng may thầy Tuấn bị bệnh thận nhiễm mỡ. Căn bệnh quái ác khiến thầy héo mòn sức lực, thân thể phù nề. Những ngày đầu phát hiện bệnh, thầy vẫn gắng sức đến với trường lớp, với học sinh. Nhưng rồi bệnh ngày một nặng thêm, thầy phải nhập viện để chữa trị. “Tôi cứ tưởng giấc mơ làm thầy giáo ấp ủ từ nhỏ của mình đã khép lại. Nhưng với sự tận tình chữa trị của bác sĩ, sự chăm sóc chu đáo của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp tôi có đủ nghị lực vượt qua cơn bạo bệnh”, thầy Tuấn bồi hồi.
Dốc hết công sức cho trường lớp
Về lại Trường tiểu học Kim Liên được một thời gian, năm 1997, thầy Tuấn được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam). Ở cương vị quản lý, thầy cùng Ban giám hiệu nhà trường dốc sức xây dựng, phát triển nhà trường ngày càng lớn mạnh. Cuối năm học 1997-1998, Trường tiểu học Trưng Nữ Vương được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và là một trong 3 ngôi trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn thành phố đạt danh hiệu này.
Rồi như duyên nợ, 6 năm sau, thầy Tuấn lại được điều động làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân (Trường tiểu học Kim Liên cũ). Thầy Tuấn kể, hồi ấy, cơ sở vật chất Trường tiểu học Hải Vân thiếu thốn trăm bề, chỉ có 2 dãy nhà cấp 4, với 15 phòng học cũ kỹ, xuống cấp. Mùa mưa, nước đọng đầy sân, thầy và trò phải xắn ống quần lội nước bì bõm vào lớp.
Không chịu đầu hàng với hoàn cảnh hiện tại, thầy Tuấn đã làm đơn đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng thành phố suốt cả năm để xin kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng thêm diện tích đất, để học sinh có chỗ học hành đàng hoàng. Từ năm 2004-2007, UBND thành phố đã đầu tư kinh phí sửa chữa, xây dựng mới các phòng học, xây dựng sân bóng đá..., mở rộng diện tích của nhà trường thêm 2.000m2. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngôi trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, diện mạo Trường tiểu học Hải Vân đã hoàn toàn thay da đổi thịt, có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Cuối năm học 2007-2008, trường đạt chuẩn quốc gia mức 1.
Năm học 2008-2009, thầy Tuấn tiếp tục vận động Công ty Thép Đà Nẵng ủng hộ cho nhà trường một phòng máy vi tính trị giá 200 triệu đồng, với 15 máy màn hình LCD. Thầy cũng nhiều lần vận động các tổ chức, cá nhân tặng cây xanh, công trình nước sạch, trang thiết bị dạy học..., mang lại vẻ khang trang hơn cho trường.
Đến cuối năm học 2008-2009, Trường tiểu học Hải Vân đã được UBND thành phố công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 2 và là một trong 2 ngôi trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn quận Liên Chiểu đạt chuẩn quốc gia mức 2.
Hết lòng với học sinh thân yêu
Trường tiểu học Hải Vân nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, học sinh chủ yếu là con em của gia đình lao động nghèo. Nhiều em đến lớp trong tình trạng thiếu áo quần, sách vở. Hiểu và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của các em, từ ngày về làm Hiệu trưởng nhà trường, thầy Tuấn đã vận động cán bộ, giáo viên mỗi người nhận bảo trợ từ 1-2 học sinh nghèo. Không chỉ vậy, thầy đích thân kêu gọi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cựu học sinh hỗ trợ kinh phí, áo quần, sách vở cho học sinh nghèo, không để em nào đến lớp trong tình cảnh thiếu thốn áo quần, sách vở.
Trong những năm qua, thầy Tuấn đã trích tiền lương hằng tháng của mình hỗ trợ học bổng mỗi năm cho 4-5 học sinh, với mức trợ cấp 500.000 đồng/học sinh/năm, giúp các em mua áo quần, sách vở, dụng cụ học tập, vượt qua khó khăn.
Với thầy Tuấn, thương học sinh không chỉ đơn thuần là giúp các em về vật chất, mà thầy còn nghĩ ra cách kích thích tinh thần thi đua học tập. Từ năm học 2003-2004 đến nay, thầy triển khai mô hình “Khăn quàng danh dự và Bông hoa điểm 10”. Lớp nào có học sinh đạt nhiều điểm 9, điểm 10 sẽ được tuyên dương trong lễ chào chờ hằng tuần, nhận một “Khăn quàng danh dự và Bông hoa điểm 10”. Trong suốt một tuần, những học sinh này được bố trí ngồi ở chiếc bàn danh dự đầu lớp học có trải thảm đỏ trang trọng. Trường hợp học sinh nào có 3, 4 tuần liên tục được nhận “Khăn quàng danh dự và Bông hoa điểm 10” thì tháng đó sẽ được thầy Tuấn trao thêm phần thưởng 10 cuốn vở.
Với cách làm hay và sáng tạo này, phong trào thi đua “học tốt” ở nhà trường luôn trong không khí sôi nổi, hào hứng. Từ năm học 2006-2007 đến nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường luôn duy trì ở mức 75% trở lên. Và từ năm học 2008-2009 đến nay, Trường tiểu học Hải Vân luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố.
Suốt 37 năm làm nghề dạy học, trải qua nhiều cương vị khác nhau, thầy Nguyễn Thanh Tuấn đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ GD-ĐT, UBND thành phố tặng. Năm 2012, thầy Tuấn là một trong 3 hiệu trưởng trường tiểu học của Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT công nhận là cán bộ quản lý giỏi cấp quốc gia.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN