Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát tối 27-1 trên Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ chỉ chủ trương dừng mở mới các cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo về tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán.
Trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người. |
Bộ trưởng cho biết, việc làm này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc đại học, hạn chế những ngành đã đào tạo tương đối đầy đủ nguồn nhân lực, khuyến khích mở mới những ngành đạo tạo mà nhu cầu trong những năm tới rất cần nhưng hiện quy mô đào tạo chưa đủ.
Do đó, mặc dù Bộ GD-ĐT không có chủ trương dừng đào tạo các ngành này, những cơ sở đào tạo đã được phép đào tạo vẫn tuyển sinh bình thường trong năm học tới, nhưng các thí sinh nên cân nhắc, thận trọng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khuyến cáo.
Hiện, số lượng sinh viên các ngành nói trên ra trường mỗi năm rất lớn. Theo một con số do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính vừa công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có hai nguyên nhân khiến số lượng các cơ sở đào tạo cũng như số lượng sinh viên theo học các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán tăng mạnh. Đó là nền kinh tế phát triển mạnh trong thời gian qua khiến số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực này rất lớn. Trong khi đó, việc đào tạo các chuyên ngành này không cần trang thiết bị nhiều so với các ngành khác. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu nguồn nhân lực trong các ngành này giảm đi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết ông vừa nhận được thông tin tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo đã có những nhận định lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2013 và những triển vọng tốt đẹp hơn của nền kinh tế Việt Nam, do đó thị trường lao động nói chung sẽ phục hồi trở lại. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với sinh viên các ngành nói trên.
Nhìn rộng ra, trong những năm tới, Bộ GD-ĐT coi việc chấn chỉnh lại kỷ cương trong đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm, không giới hạn trong các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà ở tất cả các ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành, từng địa phương. Do đó, nhu cầu xã hội và khả năng đào tạo của tất cả các ngành sẽ được thống kê, theo dõi để các thí sinh cân nhắc, các trường cũng có thể tự đánh giá khả năng xã hội tiếp nhận nguồn lao động do mình đào tạo.
Chinhphu.vn