.

Khát vọng “Hành tinh Xanh”

.

Năm 2013, Đà Nẵng đăng cai tổ chức vòng chung kết (VCK) Robocon Việt Nam (tháng 5-2013) và ABU Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tháng 8-2013), nên các đội robot của thành phố chủ nhà đều khát khao giành chiến thắng “Hành tinh Xanh”.

Sinh viên điều khiển robot bằng tay lấy cấu kiện lá đặt vào các ô trống trên sân thi đấu.
Sinh viên điều khiển robot bằng tay lấy cấu kiện lá đặt vào các ô trống trên sân thi đấu.

Việt Nam đã chọn chủ đề của cuộc thi ABU Robocon 2013 là “Hành tinh Xanh” với thông điệp: “Mỗi quốc gia là một mảnh ghép tạo nên thế giới. Trách nhiệm giữ gìn màu xanh cho Trái Đất thuộc về mỗi người sống trên hành tinh. Ý thức và hành động - đó là điều cần làm để duy trì sự sống cho ngôi nhà chung Trái Đất!”.

Năm nay chỉ cho phép mỗi đội có 2 robot, một robot được điều khiển bằng tay (robot bằng tay) và một robot được điều khiển hoàn toàn tự động (robot tự động). Sân thi đấu gồm vùng Trái Đất với bán cầu Bắc, bán cầu Nam và vùng không gian bao quanh Trái Đất với Mặt Trăng là một đĩa tròn được đặt trên một trụ sắt cao cách mặt đất 1,5m. Trong vòng 3 phút, robot bằng tay lấy khối cấu kiện lá ở kho đem gắn vào 3 ô trống tại bán cầu Nam, rồi tiếp tục cấp lá cho robot tự động. Nhận được lá, robot tự động đi gắn tối thiểu 3 lá tại bán cầu Bắc rồi mới nhặt khối cấu kiện mầm xanh ở cực Bắc và chuyển cho robot bằng tay để ném lên Mặt Trăng. Mầm xanh của đội nào nằm trên Mặt Trăng trước, đội đó giành chiến thắng tuyệt đối “Hành tinh Xanh”.

Chủ đề và luật thi đấu của Robocon năm nay khá hay và hóc búa, nhất là việc robot bằng tay ném cấu kiện mầm xanh lên đĩa tròn của Mặt Trăng cao cách mặt đất 1,5m, điều mà ngay chính con người cũng khó làm được từ khoảng cách hơn 5m. Tuy vậy, sau thành tích á quân Robocon Việt Nam năm 2012 của đội BK-Spirit và với lợi thế sân nhà, các đội robot của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều khát khao giành chiến thắng “Hành tinh Xanh”.

TS Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho hay: “Thành tích các đội robot của nhà trường lập được sau hơn 10 năm tham gia Robocon khẳng định bản lĩnh sinh viên “Bách khoa”, khẳng định vị thế và uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường trong khối các trường ĐH kỹ thuật trong nước. Năm nay có thêm thuận lợi là ngay từ rất sớm, trường được UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm, hỗ trợ 50 triệu đồng, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) tài trợ 150 triệu đồng và 8 doanh nghiệp khác tài trợ tổng cộng 50 triệu đồng phục vụ quá trình thiết kế, chế tạo robot và tập luyện, thi đấu của các đội robot, góp thêm “lửa” khát vọng chinh phục “Hành tinh Xanh” trên sân nhà Đà Nẵng”.

Còn sinh viên Dương Trọng Huề, Đội trưởng đội BK-VS, đội giành ngôi á quân trong cuộc thi sơ loại cấp trường vừa tổ chức cho hay: “Không chỉ riêng đội em mà tất cả 12 đội robot của Trường ĐH Bách khoa đều đặt quyết tâm và lập thành tích cao nhất, chinh phục “Hành tinh Xanh” trên sân nhà trong mùa Robocon năm nay. Về cơ bản, thiết kế, kết cấu cơ khí, mạch, hoạt động của các robot tương đối tốt và ổn định, đội em đang tập trung thiết kế, chế tạo cánh tay robot ném khối cấu kiện lên Mặt Trăng để ném được chính xác nhất.”

Giành chiến thắng “Hành tinh Xanh” cũng là quyết tâm của 8 đội robot của Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Sau thành tích lần đầu tiên có một đội giành quyền tham gia và thi đấu ấn tượng ở VCK Robocon Việt Nam năm 2012 (DT-Titan 1), trường đã triển khai ngay công tác đào tạo, nghiên cứu, chế tạo robot ngay từ cuối tháng 5-2012. Trường cũng đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng Phòng Nghiên cứu và chế tạo Robocon tại cơ sở 5 của nhà trường (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); xây dựng một sân thi đấu đủ tiêu chuẩn, đưa vào hoạt động ngay vào cuối tháng 10-2012 cho các đội robot tập luyện, thi đấu để hoàn thiện kỹ thuật và chiến thuật. Với sự chuẩn bị và đầu tư này, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng đặt mục tiêu có 4 đội giành quyền tham gia VCK Robocon Việt Nam năm 2013.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.