(ĐNĐT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 24/2012/TT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2012/TT-GDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Giang Thị Kim Liên, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Đà Nẵng về một số vấn đề liên quan xung quanh những điểm mới này.
Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi cho các thí sinh tại kì thi ĐH, CĐ năm 2012 tại Đà Nẵng. |
PV: Thí sinh (TS) muốn học liên thông chính quy mà thời gian tốt nghiệp trình độ đào tạo trước đó chưa đủ 36 tháng phải tham gia kỳ thi ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Việc xét trúng tuyển của các TS này được thực hiện như TS thi ĐH, CĐ chính quy khác theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành mà không có sự phân biệt. Quy định này có thuận lợi và khó khăn gì cho các đối tượng trên?
TS. Giang Thị Kim Liên: Về cơ bản thì quy định này đã được Bộ GD&ĐT giải thích khá cụ thể. Trong đó, ưu điểm của nó là sẽ góp phần vào việc tạo nên chất lượng đầu vào tốt hơn. Song, việc phải thi tốt nghiệp chung với sinh viên (SV) chính quy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng được cấp tất nhiên sẽ khiến TS có lực học kém gặp khó khăn. Tuy nhiên, nó cũng tạo cơ hội thuận lợi cho những SV có năng lực thực sự khi thi theo hình thức “3 chung” mà đã đỗ thì không có khó khăn gì. Mức điểm trúng tuyển phải ít nhất từ điểm sàn quy định.
Còn với TS đã tốt nghiệp sau 36 tháng trình độ trung cấp, CĐ đã đi làm khi dự thi liên thông sẽ có lợi thế về mặt kinh nghiệm, nhận thức. Tuy nhiên, các em có thể bất lợi hơn vì học xong từ lâu nên kiến thức phổ thông sẽ quên đi nhiều so với các bạn thi đầu vào từ học sinh THPT. Do đó, các em phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn việc thi tuyển liên thông chính quy hoặc liên thông vừa làm vừa học.
Ngoài ra, vẫn có một số trường có tổ chức thi liên thông riêng cho TS đã tốt nghiệp từ 36 tháng trở lên. Việc thi riêng vừa tạo cho nhà trường có thể chủ động kế hoạch, đồng thời cũng sẽ tạo cơ hội học lên là ngang bằng cho các đối tượng này.
PV: Về quy định TS được mang các loại máy ghi âm và ghi hình vào phòng thi, nhưng phải đảm bảo điều kiện chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Có khả năng khi một TS không làm được bài mà chỉ ngồi ghi hình, quay phim… thì điều này có gây áp lực cho cán bộ coi thi (CBCT) và các TS khác?
TS. Giang Thị Kim Liên: Thực ra quy định này đã có từ năm trước và cũng được triển khai tại các Hội đồng (HĐ) thi của ĐH Đà Nẵng. Hầu hết các HĐ thi đều thực hiện nghiêm túc về vấn đề liên quan đến kỉ luật phòng thi. Do đó tình trạng TS vi phạm hầu như không có. Năm 2012 chỉ một vài trường hợp vi phạm lỗi mang điện thoại nhưng là vì các em sơ suất, không đọc kĩ quy chế, chứ không phải cố ý lợi dụng.
Năm nay, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho các CBCT về cách nhận biết các thiết bị thuộc dạng này. Đồng thời cũng yêu cầu các CBCT tăng cường trách nhiệm, kỷ luật phòng thi, nhắc nhở TS ngay từ trước khi các em bước vào phòng thi để không xảy ra tình trạng lộn xộn, tránh gây ảnh hưởng đến công tác coi thi cũng như tránh làm ảnh hưởng đến tâm lí và quá trình làm bài thi của các TS khác.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Đắc Mạnh (Thực hiện)