.

Nâng “chất” tư vấn tuyển sinh, tăng “lượng” nhân tài

.

(ĐNĐT) - Bên cạnh việc củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, kém, từ đầu học kỳ 2 năm học 2012-2013 đến nay, Ban giám hiệu các trường THPT đã đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng giúp học sinh chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Nhờ vậy, chất lượng tuyển sinh hằng năm ở các trường luôn đạt kết quả đáng khích lệ.

Phát huy hiệu quả công tác tư vấn

Tranh thủ giờ ra chơi, em Thanh Tuấn, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền tìm đến góc tư vấn tuyển sinh đặt ở phòng giáo vụ nhà trường nhờ các thầy cô tư vấn chọn ngành nghề giúp. Sau khi nghe nguyện vọng của Tuấn muốn dự thi khối A ngành quản trị kinh doanh, giáo viên làm công tác tư vấn định hướng: Với khối thi và ngành học này, em có thể đăng ký dự thi ở các trường ĐH tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… Nếu học ở xa thì chi phí sinh hoạt cao, còn học ở gần sẽ đỡ tốn kém hơn. Nghe lời tư vấn hợp lý, Tuấn quyết định dự thi vào trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

Ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền cho hay, nhà trường đã nhiều lần họp phụ huynh các lớp để tư vấn, trao đổi thông tin, tình hình học tập của học sinh, giúp phụ huynh có cái nhìn đầy đủ, qua đó định hướng cho con em mình ngành dự thi phù hợp với năng lực, sở thích. Ở góc tư vấn, nhà trường dán đầy đủ thông tin của các trường ĐH, CĐ để học sinh tham khảo, tìm hiểu. Trường hợp học sinh nào còn lưỡng lự, sẽ có thầy cô “gỡ rối” giúp. Cũng theo ông Phương, sắp đến, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh khối 12 thi thử ĐH, qua đó xác định năng lực của từng em để có kế hoạch bồi dưỡng.

Tương tự, cũng nhờ làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của trường THPT Phạm Phú Thứ đạt kết quả khá cao. Trong tổng số 430 học sinh dự thi, có 45% trúng tuyển ĐH, CĐ. Theo ông Phan Khôi, Hiệu trưởng trường Phạm Phú Thứ, nhà trường vừa tổ chức cho các em học sinh lớp 12 thi thử ĐH. Sau khi có kết quả, Ban giám hiệu sẽ giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tích cực bồi dưỡng, giúp học sinh bổ khuyết những kiến thức còn yếu. Đồng thời, tư vấn cho các em chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực của mình.

Lãnh đạo thành phố khen thưởng học sinh đỗ thủ khoa ĐH năm 2012.
Lãnh đạo thành phố khen thưởng học sinh đỗ thủ khoa ĐH năm 2012.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, toàn thành phố có 24.452 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào 139 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Kết quả, có 2.628 thí sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1, đạt tỷ lệ 24,60% (năm 2011: 2.607 học sinh, tỷ lệ 24,06%); 1.605 thí sinh đỗ CĐ nguyện vọng 1, tỷ lệ 15,03 (năm 2011: 1.858 học sinh, tỷ lệ 17,15%). Toàn thành phố có 17 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế, tăng 4 học sinh so với kỳ thi năm 2011. Trong số 17 thủ khoa ĐH năm nay, có 11 học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và 6 học sinh trường THPT Phan Châu Trinh. Ngoài ra, có 23 học sinh được tuyển thằng vào ĐH.

Sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu tiên, đầu tư mạnh mẽ cho công tác “trồng người”, tạo nhiều dấu ấn so với các địa phương khác trên cả nước.

Tính đến nay, ngành GD-ĐT đã được đầu tư gần 1.300 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 6.785 phòng học, 322 phòng bộ môn và 1.312 phòng nhà hiệu bộ; mở rộng diện tích đất hơn 105 héc-ta cho các trường học.

100% trường học trên địa bàn thành phố đã được tầng hóa, phòng học thoáng đãng. Trong đó, có một số công trình được đầu tư hiện đại như trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh, THCS Nguyễn Khuyến..., đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh trong giai đoạn mới.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh ĐH năm 2013 được tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh hồi đầu tháng 3-2013, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh Quốc gia cho hay, kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm bình quân các môn thi 11,57, trong khi điểm bình quân cả nước là 11,3. Riêng trường THPT Phan Chu Trinh có điểm bình quân 17,54. Đây là con số ấn tượng mà học sinh Đà Nẵng đạt được trong kỳ thi vừa qua.  

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng tuyển sinh, bước vào đầu năm học, Sở chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt quan tâm học sinh khối lớp 12 trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ. Các đơn vị, trường học tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ lớp, tổ chuyên môn, toàn trường; tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh lớp 12 đối với từng môn học, trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT và đỗ ĐH, CĐ.

Ngoài ra, các đơn vị, trường học tích cực phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tổ chức phụ đạo, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 định hướng chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với năng lực học tập của bản thân; thực hiện đúng qui trình lập hồ sơ đơn ký dự thi, đảm bảo tốt nhất các quyền lợi học sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Với những giải pháp đưa ra, Sở GD-ĐT thành phố phấn đấu tăng lượng học sinh đỗ ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh năm nay, từ đó, tạo tiền đề quan trọng cho việc đào tạo đội ngũ nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng

Bài và ảnh: Phương Chi

;
.
.
.
.
.