(ĐNĐT) - Những người tâm huyết với việc giáo dục trẻ em khuyết tật trí tuệ như được dịp “cởi lòng” trong Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình và sách giáo khoa dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chủ trì, ngày 25-4 tại Đà Nẵng.
Trẻ em khuyết tật cần học gì?
Cô Hồ Mỹ Dung, giáo viên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhận định: “Trước đây, những giờ học căng thẳng trôi qua, các em khuyết tật phải vật lộn với những kiến thức quá sức và có thể không bao giờ các em được áp dụng. Trong khi đó, những kỹ năng sống hằng ngày vô cùng cần thiết như: ăn uống lịch sự, giới thiệu về bản thân, đi vệ sinh đúng cách, học cách sử dụng tiền… lại không có trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, khi được tập huấn và áp dụng chương trình giảng dạy mới của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tôi thấy các em thích thú hơn, bởi nó sát với thực tế”.
Cô Dung dẫn chứng, có những kiến thức đối với học sinh bình thường thì không học cũng biết nhưng với học sinh khuyết tật lại vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, chào hỏi ba mẹ, thầy cô, nói cảm ơn - xin lỗi…
Dạy trẻ khuyết tật trí tuệ tại Trường chuyên biệt Tương Lai. |
Cô Trương Thị Hồng Nga - giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai cũng cho rằng: “Không chỉ giúp trẻ tiếp thu kiến thức cần thiết trong cuộc sống, chương trình mới còn giúp giáo viên hiểu từng “đối tượng” học sinh và điều chỉnh cho phù hợp. Vì linh hoạt theo hướng mở: phần cứng 60%, còn lại 40% do giáo viên tự điều chỉnh theo mức độ nhận thức của học sinh, nên đòi hỏi tính sáng tạo trong việc thiết kế, tổ chức tiết học của mỗi giáo viên”.
Là giáo viên nam đã từng đứng lớp nhiều năm và tâm huyết với việc dạy những học sinh “đặc biệt”, thầy Phan Văn Tính, Trường chuyên biệt Tương Lai nhận xét: “Khi áp dụng chương trình mới, học sinh rất hào hứng bởi nội dung trải rộng, tập trung chủ yếu đến kỹ năng và những thứ diễn ra hàng ngày, xung quanh trẻ. Trong 1 tiết học, giáo viên không cần phải cung cấp thật nhiều thông tin và hoạt động mà chỉ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, sát thực, phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh”.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Có mặt tại hội thảo, anh Trần Chánh Cầu - phụ huynh của bé Trần Chánh Hậu (học lớp C.1B Trường chuyên biệt Tương Lai) xúc động nói: “Cháu bị khuyết tật từ nhỏ và rất sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ. Vậy mà sau thời gian học ở trường (Trường Tương Lai), cháu tiến bộ rõ rệt, biết quét nhà, lặt rau, rửa bát… Đó là những điều mà tôi cứ ngỡ cháu không làm được…”.
Tất cả các đại biểu đều đồng tình phải làm sao để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui mà không thấy áp lực, nặng nề. Để có được điều đó, phải khắc phục những điểm hạn chế của chương trình. Theo thầy Tính, hiện nay chỉ có khung chương trình cho từng lớp nhưng chưa có mục tiêu, nội dung, tên bài học cụ thể mà giáo viên phải tự nghĩ ra; đồng thời giáo án chưa thật thống nhất nên rất khó tìm kiếm và thiết kế nội dung.
Thầy Nguyễn Duy Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, lại nêu ý kiến được nhiều người đồng tình: “Giảng dạy chương trình giáo dục kỹ năng sống mà lại đánh giá học sinh theo hướng học lực - hạnh kiểm thì chưa có cơ sở. Còn nói theo sự tiến bộ thì chung chung quá, chưa có tiêu chí rõ ràng”. Theo thầy Tiên, nên chăng đánh giá học sinh khuyết tật trí tuệ dựa vào kỹ năng - hành vi, thay cho học lực - hạnh kiểm. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc giúp phụ huynh tham gia nhiều hơn trong việc dạy các em đúng cách là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy học với những đối tượng “đặc biệt” này.
Được biết, chương trình giáo khoa dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học được triển khai thực nghiệm tại 4 trường trong cả nước từ năm 2010. Riêng ở Đà Nẵng, Trường chuyên biệt Tương lai và PTCB Nguyễn Đình Chiểu được thực nghiệm chương trình này.
PHƯƠNG TRÀ