.

Dạy học Lịch sử ở Trường THPT: Đừng làm học sinh chán ngán!

.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, trong các môn học cấp THPT, môn Lịch sử được xem là “khó nuốt” nhất đối với học sinh, bởi chương trình học nặng nề; số liệu, sự kiện quá nhiều, khó nhớ.

Và thực tế ngày càng có nhiều học sinh không mấy mặn mà với môn Sử, chủ yếu học để đối phó, thi lấy điểm. Chính điều này khiến những năm trở lại đây, điểm thi môn Sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH luôn có kết quả rất thấp, với hàng loạt điểm 0, điểm 1.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2012.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2012.

3 năm học chưa hề được đi tham quan

Tiếp xúc với nhiều học sinh đang học THPT trên địa bàn thành phố, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy vai trò môn Lịch sử trong mắt các em không được coi trọng. Nhiều em cho biết, việc học môn này chỉ mang tính đối phó, học để lấy điểm. H.V (học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh) bộc bạch: “Môn Lịch sử là một trong những môn học bắt buộc nên em phải học, chứ thật ra chẳng hề yêu thích. Mỗi lần lên lớp, cô giáo giảng bài nghe khô khan, chỉ toàn số liệu, sự kiện dài dằng dặc không thể nhớ nổi”. H.V cũng cho biết, trong 3 năm học cấp THPT, em chưa hề được nhà trường cho đi tham quan ở bảo tàng hay các di tích lịch sử. “Ở lớp, chúng em chỉ nghe thầy cô giảng bài, về nhà học thuộc lòng để chuẩn bị cho hôm sau trả bài. Xác định thi ĐH khối A nên đối với môn Sử, em chỉ học bài thuộc lòng để kiếm điểm mà thôi”, V. nói.

Tương tự, gần 2 năm học môn Lịch sử cấp THPT, Tr. (học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Hoa Thám) rút ra nhận xét: “Trong sách giáo khoa (SGK) môn Sử, bài nào cũng dài, khô khan, quá nhiều số liệu, sự kiện khiến em thấy sợ môn học này. Hằng ngày ngoài giờ học trên lớp, về nhà chúng em tự ôn tập, học thuộc lòng các số liệu, sự kiện trong SGK, chứ không hề được thầy cô cho thực hành, áp dụng kiến thức như một số môn học khác. Vì thế em thấy việc học môn Sử khá đơn điệu, nhàm chán”.

Khi biết 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay không có môn Lịch sử, nhiều học sinh Trường THPT Thái Phiên thở phào bởi thoát khỏi cảnh phải “tụng” môn Sử. Em H. (học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên) cho biết, trước ngày công bố các môn thi, ngày nào em cũng cầu mong đừng thi môn Sử, bởi bài học quá nhiều. Một câu hỏi thôi, có khi phải trả lời kín cả trang giấy A4. “Thật sự em rất sợ thi môn Sử, bởi áp lực bài vở quá lớn so với các môn học khác, nhiều khi học mãi mà các con số, sự kiện cứ “lộn tùng phèo” cả lên”, H. nói.  

Chương trình SGK nặng nề

Theo cô Trần Thị Hoa, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Ngô Quyền, nguyên nhân khiến nhiều học sinh ngày càng thờ ơ với môn Lịch sử vì dư luận xã hội, một bộ phận xem thường, không coi trọng môn Lịch sử, nên làm học sinh không mặn mà. Mặt khác, chương trình trong SGK những năm gần đây đã cải tiến theo hướng giảm tải, nhưng vẫn còn nhiều phần nội dung, kiến thức còn nặng nề. Trong khi đó, thời lượng của một tiết dạy chỉ 45 phút, giáo viên không thể chuyển tải hết kiến thức, hoặc dẫn chứng, nêu ví dụ làm sinh động bài giảng, giúp học sinh khắc họa kiến thức, nhớ lâu được. Đây là điều hạn chế của SGK môn Lịch sử hiện nay. Bên cạnh đó, môn Sử hiện lý thuyết nhiều nhưng thực hành không có, nên không tạo được sự hứng thú cho học sinh.

Cô Hoa kể, cách đây 2 năm, sau khi dạy chương trình lịch sử Việt Nam, trường tổ chức cho học sinh khối 11 tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5 để tìm hiểu về các chứng tích lịch sử, hiện vật, nhà sàn Bác Hồ... dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Qua chuyến đi, học sinh tỏ ra hứng thú và yêu thích môn Lịch sử hơn. “Việc kết hợp học lý thuyết với thực hành làm bài học sinh động, giúp học sinh khắc sâu kiến thức, để từ đó các em có hứng thú học tập. Biết thế nhưng khổ nỗi nhà trường lấy kinh phí ở đâu để tổ chức cho các em đi thực tế. Đây là một thiệt thòi lớn đối với học sinh”, cô Hoa trăn trở.

Thạc sĩ Phạm Đình Kha, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT, đánh giá chương trình SGK môn Lịch sử hiện nay nặng, quá nhiều kiến thức và quá tải với học sinh. Đơn cử, trong SGK Lịch sử lớp 12 có một trang mà có đến gần 10 mốc thời gian, rất khó nhớ chính xác. Cũng theo Thạc sĩ Phạm Đình Kha, để học sinh hứng thú, yêu thích môn Lịch sử, giáo viên phải có khả năng sư phạm tốt, biết đặt vấn đề, nêu vấn đề gợi sự tò mò của học sinh trong mỗi bài giảng. Trong quá trình dạy, giáo viên phải biết chọn những nội dung cơ bản nhất trong bài học truyền đạt cho học sinh, nhằm tránh gây sự nhàm chán đối với các em.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.