.

“Nóng” nhân lực phần mềm

.

 Các doanh nghiệp (DN) phần mềm Đà Nẵng cho rằng thách thức lớn nhất của ngành phần mềm hiện nay vẫn là nguồn nhân lực.

Gia công phần mềm xuất khẩu đang là ngành mang lại hiệu quả cho thành phố Đà Nẵng.
Gia công phần mềm xuất khẩu đang là ngành mang lại hiệu quả cho thành phố Đà Nẵng.

Tiếng Anh đang là rào cản

Đó là thực tế chung mà nhiều DN phần mềm khi được hỏi đều nhận định. Việc nhân lực ngành phần mềm hiện nay còn hạn chế nhiều kỹ năng để đáp ứng các dự án đòi hỏi chuyên môn cao từ thị trường quốc tế như Nhật, Mỹ…; trong đó, kỹ năng mềm trong giao tiếp và ngoại ngữ đang là vấn đề được nhiều DN và nhà trường quan tâm. Đa số các DN phần mềm đều cho biết họ rất khó để tìm được nguồn nhân lực phù hợp với những vị trí đòi hỏi chuyên môn và trình độ ngoại ngữ cao. Nhiều DN khi đã tuyển dụng xong phải mất thêm thời gian 2 - 3 khóa học đào tạo lại tiếng Anh và kỹ năng mềm cho các nhân viên của mình.

Về vấn đề này, ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Kỹ thuật số Toàn Cầu Xanh, chia sẻ: “Trong thực tế, sinh viên mới ra trường hầu hết vốn tiếng Anh rất ít ỏi. Phương pháp mà công ty tôi đang làm là chọn nhân viên đủ tiêu chuẩn với từng vị trí, sau đó tùy theo nhu cầu công việc sẽ giúp nhân viên học tiếng Anh bổ sung phù hợp. Ngoài thời gian làm việc, chúng tôi luôn tổ chức những lớp học tiếng Anh ngoại khóa để nhân viên và những người quản lý cùng học và cùng sửa sai cho nhau. Từ đó, họ không còn “ngại” tiếng Anh nữa mà trở nên thích thú, dùng tiếng Anh ngay trong cả giao tiếp và công việc hằng ngày”. Ông Ngô Chí Trung, Giám đốc Công ty TNHH Tin học & Thuơng mại ASNET cho rằng: “Chúng ta khoan sửa tiếng Anh cho nhân viên mà trước mắt chấp nhận với thực tế sẵn có của họ và tìm biện pháp khắc phục dần theo yêu cầu công việc. Với công ty chúng tôi, việc chọn giải pháp là thuê ngay tư vấn người nước ngoài vào làm. Từ đó, khi nhân viên đã quen dần với công việc thì vấn đề “làm sao để nhân viên của mình nói tiếng Anh tốt như người nước ngoài” sẽ được phần nào giải quyết”.

Hiểu nhu cầu để tìm hướng đi đúng

Đó là trăn trở không chỉ của ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng khi nói về thực trạng chung: Trong mấy năm gần đây, số thí sinh đăng ký vào ngành CNTT của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày càng giảm sút. Đại diện nhiều cơ sở đào tạo khác cho rằng: Việc lựa chọn vào ngành CNTT của sinh viên đang ngày càng giảm sút, một phần lỗi là do các cơ quan chức năng không có những định hướng kịp thời để các em có những nhìn nhận đúng đối với ngành CNTT, qua đó lựa chọn ngành nghề. “Vì vậy, chúng tôi mong được biết các DN phần mềm cần những gì ở sinh viên để chúng tôi có định hướng trong việc đào tạo phù hợp, bảo đảm các em sau khi ra trường có việc làm ổn định”, ông Lê Công Cơ nói.

Tuy nhiên, muốn giải quyết được vấn đề về nguồn nhân lực phần mềm thì không phải một sớm một chiều. Theo anh Vy Văn Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Softech thì trước mắt, Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng cần tổ chức những buổi giao lưu giữa các DN phần mềm với nhau và với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực để thông tin cho các sinh viên biết DN đang cần gì ở họ và cũng để họ tự cố gắng đáp ứng theo nhu cầu DN cần. Còn ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, thì đề xuất cần tạo ra một quỹ phát triển nguồn nhân lực hoặc thử làm một cơ sở dữ liệu toàn thành phố về nhân lực CNTT… Như vậy, sẽ có được cái nhìn tổng quan về ngành CNTT, có thể theo dõi được quá trình phát triển của nó và đặc biệt là các nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin để quyết định đầu tư vào Đà Nẵng.

Để giải bài toán nhân lực, quan trọng nhất lúc này là Hiệp hội DN phần mềm phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò của mình trong việc gắn kết các DN lại với nhau, đồng thời, DN và nhà trường cũng phải gặp nhau để thống nhất hướng đi và có những giải pháp phù hợp.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.