Từ thực tiễn việc dạy và học, thầy và trò Trường CĐ nghề Đà Nẵng đã chế tạo nhiều thiết bị thực hành, ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề.
Giờ thực hành tại lớp 10CK 1B của thầy Nguyễn Minh Tân, giảng viên khoa Cơ khí Trường CĐ nghề Đà Nẵng khá sôi động. Thầy và trò cùng sôi nổi trao đổi và thực tập trên những thiết bị do chính thầy cô và học sinh khóa trước làm. Phần lớn các thiết bị thực hành đều được sản xuất tại trường, chỉ có một số máy móc đòi hỏi kỹ thuật cao thì phải mua của nước ngoài.
Thầy Nguyễn Minh Tân (trái) hướng dẫn sinh viên thực hành trên thiết bị hệ thống nâng kính do thầy tự chế tạo. |
Tiết kiệm mà hiệu quả
Nhìn sinh viên thích thú với hai thiết bị hệ thống nâng kính và hệ thống gạt nước do mình làm, thầy Tân cười nói: “Nếu mua thiết bị của các công ty chuyên cung cấp thiết bị dạy học hoặc từ nước ngoài không chỉ tốn kém mà thời gian chờ đợi rất lâu”. Ước tính riêng hai thiết bị do thầy Tân vừa chế tạo nếu mua của các công ty tốn khoảng hơn 7 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, còn có các thiết bị khác như: hệ thống nhiên liệu diesel điều khiển điện tử do học sinh chế tạo, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Lê Minh Xuân, hệ thống phun xăng điện tử... Thiết bị này nếu mua ngoài có giá khoảng 30 triệu đồng/chiếc.
Không chỉ sáng chế nhiều thiết bị dạy học, các thầy cô ở Trường CĐ nghề Đà Nẵng còn tự chế cả bàn ghế ngồi trong các phòng thực hành máy tính sao cho gọn, nhẹ, ít chiếm không gian và đặc biệt là vừa bền, đẹp, vừa tiết kiệm chi phí. “Những chiếc bàn không vách ngăn xếp xung quanh giúp sinh viên dễ quan sát trên bảng và thực hành ngay vào máy tính tại chỗ ngồi. Điều này khiến hiệu quả học tập cao hơn”, thầy Nguyễn Đoàn Anh Vũ, giảng viên khoa Tin học và thực hành kế toán ảo cho biết.
Bàn ghế trang bị cho một phòng học tiêu tốn từ 200 - 300 triệu đồng, độ bền thường không cao nhưng bộ bàn ghế bằng gỗ và sắt do các thầy cô tự chế chỉ mất khoảng 10 triệu đồng. Không dừng ở đó, với hệ thống đèn tiết kiệm điện được thay toàn bộ cho loại bóng đèn tuýp, mỗi tháng nhà trường tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng tiền điện.
Nâng cao chất lượng
Đối với công tác dạy nghề, yếu tố kỹ năng tay nghề của mỗi học sinh - sinh viên quyết định phần lớn đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, những năm qua, Trường CĐ nghề Đà Nẵng luôn đổi mới công tác đào tạo và coi đây là đòn bẩy đột phá. Trong đó, bước quan trọng là cơ cấu lại chương trình theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận chương trình đào tạo nghề và các yêu cầu của các đơn vị để điều chỉnh nội dung, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, chế tạo nhiều thiết bị mới phục vụ việc dạy học. Song song đó, trường còn liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo. “Cách tổ chức đào tạo theo hướng thực hành và tạo lập nghề nghiệp cho người học là vấn đề cốt lõi. Phải làm sao để sinh viên sau khi học hết năm thứ hai có tay nghề tương đối vững, có kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng công việc tại doanh nghiệp”, thầy Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Là một trong những đơn vị sử dụng nhiều lao động tuyển từ Trường CĐ nghề Đà Nẵng, ông Lê Nguyễn Quân - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật dịch vụ và thương mại Tân Q.A (số 418 Hoàng Diệu) chuyên lắp đặt cơ điện - cho biết: “Trường CĐ nghề Đà Nẵng là một trong những địa chỉ được chúng tôi chọn lựa để tuyển lao động bởi hầu hết các em đều đáp ứng được yêu cầu”. Không chỉ Q.A, nhiều đơn vị khác như: Công ty CP Ô-tô Trường Hải (Quảng Nam), Công ty CP Vinatex Đà Nẵng… cũng đặt hàng hàng chục đến hàng trăm lao động tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
“Việc mời doanh nghiệp tham gia sát hạch sinh viên trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển dụng là cách làm mới của chúng tôi. Với hình thức này, học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp được bảo đảm chất lượng chuyên môn từ chính các doanh nghiệp”, thầy Phan Văn Sơn cho biết. Hơn 90% sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp là con số đáng kể để Trường CĐ nghề Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học hơn nữa.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ