.

Cậu bé mù và giải nhất môn Văn

.

Vượt qua hàng chục thí sinh “mắt sáng”, cậu bé mù Nguyễn Công Cường (học sinh lớp 9/5, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) xuất sắc giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp 9 thành phố Đà Nẵng năm học 2012-2013.

Những bước chân Cường đều có sự dắt dìu của mẹ.
Những bước chân Cường đều có sự dắt dìu của mẹ.

Gập ghềnh đường đến trường

Cho đến giờ, Cường cho biết em vẫn chưa vơi niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên tham gia và đoạt giải nhất tại một cuộc thi lớn như thế. “Văn chương đã giúp em “nhìn” ra thế giới, để em được yêu, được ghét, được bày tỏ cảm xúc của mình với thế giới xung quanh”, Cường cắt nghĩa như thế về con đường đến với môn Văn. Em đến với Văn, yêu Văn như yêu chính cuộc sống này. Với Cường, văn chương như nhịp cầu, giúp em giao lưu với cuộc sống, dạy em biết yêu thương, cho em nghị lực để vươn lên.

Chị Trương Thị Thanh Thủy - mẹ Cường - kể khi lọt lòng mẹ, Cường cũng xinh xắn, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi em tròn một tuổi, một con mắt cứ mờ dần rồi không nhìn thấy nữa. Năm Cường lên 2 tuổi, con mắt còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự trong nỗi tuyệt vọng của mẹ và sự đau đớn của cha. “U mắt”, kết luận của bác sĩ dường như đóng sầm cánh cửa cuộc đời của cậu bé Cường.

Sau phẫu thuật bỏ nhãn cầu, Cường mù hẳn, thế giới của em chỉ còn là bóng đêm. “Nỗi đau quá lớn khiến tôi nhiều lúc như muốn quỵ ngã. Nhưng rồi Cường vẫn hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên vui sống. Chính cháu lại trở thành động lực giúp tôi đứng dậy”, chị Thủy cho biết. Từ nhỏ, Cường là cậu bé ngoan và rất sáng dạ. Bất kể câu chuyện gì mẹ kể hay những bài hát nghe trên truyền hình thì một lát sau Cường có thể thuật lại làu làu. Cách “nhìn” sự vật, “nhìn” thế giới của Cường cũng rất đặc biệt, đó là thế giới đa chiều lung linh sắc màu.

Với người bình thường, học giỏi đã khó, với cậu bé mù như Cường thì còn khó hơn gấp bội. Vậy mà từ lớp 1 đến lớp 6, Cường đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. 4 năm học hòa nhập tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cường vẫn giữ danh hiệu này và luôn trong top đầu của lớp 9/5. Mỗi khi nghe giảng, Cường nhờ các bạn đọc lại hộ và chép bằng chữ Braille rồi về nhà nghiền ngẫm. “Muốn học giỏi Văn thì phải đọc thật nhiều để cảm, hiểu và nhớ”, Cường cho biết.

Để “nuốt” hết chồng sách tham khảo môn Văn mà mẹ lặn lội khắp các nhà sách mua về, mỗi ngày Cường nhờ bố mẹ hoặc sang nhà hàng xóm nhờ… đọc. Những người hàng xóm nhiệt tình của cậu bé đều trở thành “phát thanh viên” bất đắc dĩ. Nghe đọc, Cường bắt đầu chép lại bằng chữ Braille… Cứ thế, em như con ong mò mẫm xây tổ. Đêm nào cũng vậy, Cường đều thức đến gần 1 giờ sáng để học bài, bởi cậu bảo “các bạn cố gắng một thì mình phải cố gắng mười mới theo kịp”. Và Cường đã đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU thành phố Đà Nẵng, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp 9 thành phố cùng nhiều giải trong hội thi kể chuyện theo sách…

Ước mơ thành thầy giáo

Với đề thi nghị luận về vấn đề bảo vệ môi trường và so sánh hình tượng người lính trong tác phẩm Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Đồng chí của Chính Hữu, sau khi hoàn thành bài thi bằng chữ Braille, Cường phải nhờ các thầy cô “dịch”. Là người từng dạy và trực tiếp dịch bài cho Cường, cô Bùi Thị Diệp Anh, giáo viên Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu kể: “Cường rất hồn nhiên nhưng lại có cái nhìn về cuộc sống khá sâu sắc”. Theo cô Anh, bài thi vừa rồi Cường đoạt giải nhất bởi em triển khai tốt và đủ ý, đồng thời có nhiều liên hệ phong phú từ thực tiễn sinh động của cuộc sống.

Khi nghe tin mình giành giải nhất môn Văn thành phố, Cường đã khóc. Mẹ Cường không nói gì, chỉ ngồi lặng lẽ nhìn con trai. “Niềm vui này em muốn chia sẻ với mẹ đầu tiên. Mẹ là người luôn theo em trong từng bước đi. Mẹ là đôi chân giúp em bước vào đời”. Cường thổ lộ.

Từ bỏ cơ hội dạy một trường ở quận trung tâm thành phố, chị Thủy đã xin về trường ở quận Liên Chiểu để tiện đưa đón con trong quá trình học tập. Mỗi ngày, bất kể trời mưa hay nắng, chị Thủy đều đưa Cường đến trường và đến nơi làm việc rồi lại tất tả về nhà lo cho bố mẹ chồng bị bệnh, đầu giờ chiều lại đi làm... Cường thương mẹ lắm nên lúc ở nhà, bất kể việc gì, dù là nhỏ nhất trong sinh hoạt của mình, em đều tự làm. Và Cường tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa, học thật giỏi để sau này trở thành thầy giáo dạy chữ Braille cho những trẻ em thiệt thòi.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.