.
Câu chuyện giáo dục

Chọn trường nào cho con?

Hơn chục năm trở về trước, chỉ đến khi con vào đại học, các bậc phụ huynh mới bận tâm về việc chọn trường cho con bởi đó là yếu tố quyết định rất lớn đến tương lai của các em. Thế mà nay, khi con bước vào ngưỡng cửa tiểu học, các bậc phụ huynh đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì chuyện chọn trường cho con.

Cứ đến dịp tháng 4, tháng 5, những phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp một chạy vạy khắp nơi, thăm hỏi những phụ huynh có con học ở các trường tiểu học khác, rà soát xem trường nào tốt nhất. Nhiều người đứng giữa “ngã ba đường”, băn khoăn không biết nên cho con mình theo học đúng tuyến nhưng chất lượng bình bình, hay chọn những trường danh tiếng, trường điểm ở trung tâm (thường là những trường luôn có số lượng học sinh giành những giải thưởng học sinh giỏi cấp quận, huyện, thành phố đông). Một khi quyết chọn trường trái tuyến thì bắt đầu vào chiến dịch “chạy” sao cho vào được trường, bằng rất nhiều cách, thậm chí cả dụng “chiêu”. Và hợp lý nhất để vào được trường đó chính là hộ khẩu phải đúng tuyến.

Nhiều phụ huynh còn kỹ lưỡng hơn, ngay từ khi con mới sinh ra đã vội vàng nhập hộ khẩu đúng với địa bàn vào trường điểm. Vì vậy, nhiều trường tiểu học điểm như Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ... đến đầu năm học, số học sinh có hộ khẩu tại địa bàn tăng vọt, có trường tăng đến 400% so với điều tra. Cán bộ giáo vụ thu hồ sơ của những trường này kể chuyện thật mà như đùa rằng, nhiều hồ sơ hộ khẩu ghi không đúng thời hạn cư trú, trường từ chối nhận buổi sáng, thì buổi chiều mang đến hộ khẩu đã thêm thời gian cư trú vài năm... Bên cạnh số học sinh “bỗng dưng” xuất hiện, thêm số khác là con em cán bộ, công chức làm việc ở khu vực trung tâm nên phải sắp xếp để thuận tiện trong việc đưa đón con em họ.

Cũng chính vì sự chọn lựa của các phụ huynh, nên tình trạng trường quá thừa, trường quá thiếu học sinh đã diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng. Một giáo viên ở trường tiểu học được xem là trường điểm chia sẻ rằng, ở những trường có tiếng, học sinh trong một lớp luôn đông hơn các trường khác. Và với số lượng học sinh quá đông như vậy, dù giáo viên có dạy giỏi đến như thế nào, cũng không thể “ba đầu sáu tay” quán xuyến, quan tâm đến từng học sinh. Vì vậy, sự quan tâm, dạy dỗ cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, cũng chính vì tâm lý chọn trường có tiếng tăm, nên ở những trường điểm luôn xảy ra tình trạng quá tải, dẫn đến nhiều hệ lụy: không phải học sinh nào cũng được dự giờ chào cờ, học sinh giờ ra chơi không có chỗ chơi, thiếu những trò chơi có tính chất hoạt động thể chất, quá tải về nhà vệ sinh... Năm học 2012-2013 vừa qua, nhiều trường tiểu học điểm đã vỡ bán trú. Phụ huynh lỡ “chạy” cho con vào trường điểm lại phải “chạy” kiếm nơi cho con học buổi thứ hai, và xót xa nhìn con ngày nào học xong cũng chen chúc trong chiếc ô-tô chở về những trung tâm hoặc nhà giáo viên để học buổi thứ hai.

“Biết vậy cho học trường gần nhà cho rồi, vừa đưa đón tiện, vừa có bán trú tại trường, đỡ phải lo lắng như bây giờ!”, tâm sự của một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cũng chính là chia sẻ của nhiều phụ huynh lỡ đưa con vào trường điểm. Thế nhưng, “người trong muốn ra, người ngoài muốn vào” nên cuộc chạy đua vào trường điểm sẽ vẫn tiếp tục... cho đến khi nào lãnh đạo ngành giáo dục có những quyết sách rõ ràng hơn.

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.