Theo quy định của UBND thành phố, giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, giáo viên các trường phổ thông tư thục đều không được phép tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên không dạy thêm cho học sinh của lớp chính khóa mà giáo viên đang giảng dạy tại trường…
Quy định là vậy, nhưng thực tế, nhiều giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm học sinh của mình. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Ngoài giờ học trên lớp, nhiều học sinh THCS đến nhà thầy cô giáo của mình để học thêm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Tràn lan dạy thêm, học thêm
Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn, ngày 26-3-2013, UBND thành phố ban hành Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt QĐ 13). Dù vậy, sau khi QĐ 13 có hiệu lực, vẫn xảy ra tình trạng học sinh đến nhà, hoặc lớp của cô giáo mình để học thêm khá nhiều, đặc biệt ở cấp THCS, THPT.
Chị N. có con học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) cho biết: “Giáo viên nhà trường nói con tôi học yếu một số môn nên cần phải có biện pháp củng cố, giúp cháu lấy lại kiến thức. Lo lắng, tôi nhờ giáo viên nhà trường dạy thêm cho cháu các môn Anh văn, Toán, Lý. Ngoài giờ học chính khóa ở trường, hằng ngày tôi đưa cháu đến nhà giáo viên để học thêm. Mặc dù tốn tiền, mất nhiều thời gian đưa đón cháu, nhưng qua mấy tháng học thêm, đến nay cháu cũng tiến bộ hơn trước đây”.
Còn phụ huynh của em H. (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh) kể rằng, mỗi tuần em H. phải đi học thêm 3 môn Toán, Lý, Hóa, do giáo viên nhà trường tổ chức dạy ở nhà, với học phí hằng tháng gần 1 triệu đồng. Phụ huynh này cho biết thêm: “Lúc đầu nghe con kể lại, các thầy cô ở trường gợi ý em nào muốn đi học thêm thì đến nhà riêng thầy cô dạy cho. Thấy vậy, vợ chồng tôi đăng ký cho con đi học, vì sợ sau này cháu thua kém bạn bè cùng lớp. Vả lại, học thầy cô giáo trong trường vẫn yên tâm hơn ở các trung tâm hay thuê sinh viên kèm”.
Qua tiếp xúc với nhiều học sinh, phụ huynh, được biết, sau khi UBND thành phố có quy định quản lý, chế tài mạnh mẽ việc dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên dạy thêm tại nhà hoặc thuê cơ sở để tổ chức dạy thêm đã dặn dò với học sinh của mình là tuyệt đối không được nói đi học thêm ở đâu, thầy cô nào dạy… Trong đó, không ít trường hợp giáo viên lách quy định bằng cách đến trung tâm bồi dưỡng kiến thức, luyện thi để dạy cho học sinh mình. Vì thế, việc dạy thêm học thêm của giáo viên khó lọt đến tai Ban giám hiệu nhà trường.
Khó kiểm tra, xử lý
Theo QĐ 13, ngoài trách nhiệm của Sở GD-ĐT, UBND quận, huyện…, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để cán bộ, giáo viên trong trường tổ chức hoặc tham gia dạy thêm trái quy định. Ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, cho rằng việc quản lý dạy thêm ngoài nhà trường, không nên quy hết trách nhiệm cho hiệu trưởng. Bởi thực tế, nhiều giáo viên không đăng ký dạy thêm với nhà trường nhưng vẫn tổ chức mở lớp dạy tại nhà, hiệu trưởng không thể quản lý hết được. Vì thế, cần sự phối hợp vào cuộc của một số lực lượng chức năng của địa phương.
Còn theo một lãnh đạo UBND quận Thanh Khê, để quản lý tốt vấn đề dạy thêm, học thêm theo QĐ 13 là việc không đơn giản, đòi hỏi quyết tâm cao. Bởi lẽ thực tế, không ít giáo viên đang dạy tại các trường và giáo viên đã nghỉ hưu khi đăng ký thủ tục dạy thêm, học thêm chỉ làm sơ sài cho có, không quan tâm lắm đến các quy định cụ thể. Riêng giáo viên nghỉ hưu thì rất khó quản lý việc tổ chức dạy thêm của họ tại nhà...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT cho hay, đối với những trường hợp giáo viên “vận động” học sinh về nhà dạy thêm, học thêm, Sở GD-ĐT chưa thể kiểm tra được. Bởi Sở không có thẩm quyền “khám” nhà người khác, còn nếu phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để kiểm tra, thì người bị kiểm tra sẽ biết ngay và giải tán lớp học nên không có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, theo ông Trường, Sở GD-ĐT giao trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường quản lý, kiểm tra, quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm của giáo viên trường mình. Ngoài ra, trong thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động dạy thêm học thêm tại nhà giáo viên, trung tâm lưu trú… nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Theo QĐ 13 của UBND thành phố, cán bộ, giáo viên các trường phổ thông vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, ngoài việc chịu hình thức xử phạt hành chính còn phải nhận các hình thức xử phạt sau: Lần thứ nhất sẽ bị kiểm điểm, khiển trách trong tập thể sư phạm nhà trường, không xem xét các danh hiệu thi đua trong năm học đó. Lần thứ hai sẽ bị cảnh cáo trong toàn ngành giáo dục và kéo dài thời gian nâng lương thêm một năm so với quy định. Lần thứ ba sẽ điều chuyển công tác và xem xét cho thôi việc. Ngoài ra, hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị, trường học thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý để xảy ra tình trạng nhiều giáo viên của trường vi phạm hoặc giáo viên cố tình vi phạm nhiều lần đối với quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chịu các hình thức xử lý phù hợp. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI