Gần 2 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Nhằm giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của học sinh, giáo viên bộ môn ở các trường THPT chia sẻ kinh nghiệm, định hướng giúp các em có phương pháp ôn tập khoa học, vượt qua kỳ thi cam go này.
Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào ĐH Đà Nẵng. |
* Cô Trần Thị Hoa, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Ngô Quyền:
Nắm chắc sự kiện lịch sử
Việc ôn thi ĐH khác hẳn với ôn thi tốt nghiệp THPT, bởi không phải thuộc bài là làm bài được, vì đề thi ĐH yêu cầu học sinh phải hiểu, phải nắm chắc sự kiện lịch sử, biết hệ thống kiến thức một cách logic, nắm chắc từng giai đoạn lịch sử, từng chủ đề mà sách giáo khoa (SGK) đã biên soạn. Ngoài ra, các em còn phải biết tổng hợp và phân tích một sự kiện, một giai đoạn lịch sử.
Muốn làm bài tốt, học sinh phải đọc thật kỹ đề, xem yêu cầu đề cần phải giải quyết những vấn đề gì, sau đó lập dàn ý chi tiết. Khi làm bài, không nên làm theo kiểu gạch đầu dòng mà phải trình bày theo cách lập luận hiểu bài và nắm chắc sự kiện.
* Thầy Nguyễn Viết Nghị, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Ngũ Hành Sơn:
Cần làm quen dạng đề thi
Các em phải nắm chắc từng chuyên đề theo hướng hệ thống kiến thức chung trong chương trình SGK. Tiếp đó, việc nắm thêm các tiểu tiết sẽ bổ trợ tốt cho quá trình làm bài thi. Thi ĐH khác với thi tốt nghiệp THPT, bởi yêu cầu đề đòi hỏi cao hơn, sâu hơn, kiến thức liên hệ thực tiễn. Tốt hơn hết, học sinh nên tham khảo các đề thi ĐH những năm trước để làm quen dạng đề, biết điểm của từng phần thi. Các em cần nắm chắc dấu hiệu của từng loại biểu đồ để nhận biết, giải quyết yêu cầu của đề thi một cách chính xác nhất.
Khi làm bài, hãy đọc kỹ đề thi, gạch đầu dòng ra giấy nháp các nội dung cần trả lời mà đề yêu cầu, nhằm tránh lạc hướng.
* Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Tôn Thất Tùng:
Vững ngữ pháp, từ vựng...
Để học tốt môn tiếng Anh, các em phải nắm vững kiến thức trong SGK, chủ yếu lớp 12; cố gắng nắm thật chắc ngữ pháp, từ vựng. Ngoài giờ học trên lớp, các em thường xuyên tự học, đọc các văn bản bằng tiếng Anh để nhớ từ, cấu trúc câu, nắm vững các thì, từ loại, giới từ, ngữ âm, luyện các kỹ năng đọc hiểu… Ngoài ra, học sinh tự tìm kiếm các đề thi cũ để làm bài cho quen với các dạng đề thi tuyển sinh những năm trước.
Khi làm bài, học sinh cần bình tĩnh, tự tin, chú ý tô mã đề thi chính xác.
* Thầy Trương Đắc Định, giáo viên môn Hóa Trường THPT Trần Phú:
Ôn tập theo từng chuyên đề
Đối với môn Hóa, để thi tốt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài phần kiến thức trong SGK lớp 12, học sinh cần ôn tập thêm kiến thức lớp 10 và 11. Muốn việc ôn tập đạt hiệu quả tốt, các em nên chia theo từng chuyên đề các phần hóa vô cơ, hữu cơ và có một cuốn vở ghi chép những phần kiến thức trọng tâm. Bên cạnh đó, nắm thêm nội dung kiến thức về tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học, cấu tạo nguyên tử, dung dịch điện ly...
Đề thi môn Hóa ra theo hình thức trắc nghiệm, ngoài việc nắm thật chắc kiến thức lý thuyết, học sinh siêng năng làm bài tập để rèn luyện kỹ năng làm bài thật tốt, tính toán nhanh các câu hỏi. Câu nào dễ làm trước, câu nào khó thì làm sau.
* Cô Đỗ Thị Cẩm Nhung, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh:
Trình bày theo luận điểm
Trong quá trình ôn tập, các em cần nắm rõ về các tác giả, nội dung tác phẩm, những vấn đề nhỏ trong tác phẩm. Học sinh phải thuộc tác phẩm thơ, các dẫn chứng tác phẩm văn xuôi để làm tư liệu trong quá trình phân tích, chứng minh tác phẩm. Dù câu hỏi mang tính lý thuyết hay câu hỏi phân tích, bình luận, chứng minh... về tác phẩm, muốn đạt điểm cao, học sinh phải trình bày đủ cả ba yếu tố: mở bài, thân bài và kết luận. Đây được xem là phần điểm kỹ năng của học sinh.
Trước khi làm bài nên lập sơ dàn ý trong đầu hoặc trong giấy nháp để quá trình làm bài không bị quên ý và viết sẽ chặt chẽ hơn. Tránh kể lan man theo nội dung câu chuyện, mà phải biết trình bày theo luận điểm, nắm vững kiến thức cơ bản để đưa luận chứng làm rõ thêm luận điểm đã nêu.
Với câu hỏi về tác phẩm thơ, cần làm rõ yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm, qua đó làm rõ nội dung tư tưởng tác giả thể hiện qua tác phẩm, tránh diễn xuôi ý thơ. Học sinh cần quan sát, cảm nhận cuộc sống để có lượng ngôn từ phong phú để vận dụng vào làm bài, đặc biệt là với câu hỏi nghị luận xã hội. Khi làm bài thi, các em bình tĩnh lập dàn ý, phân bố thời gian hợp lý.
* Cô Lê Thị Thủy, giáo viên môn Sinh Trường THPT Thái Phiên:
Cần hệ thống hóa kiến thức đại cương
Trong quá trình ôn thi, học sinh cần nắm vững kiến thức SGK để hiểu và vận dụng giải thích các hiện tượng thực tế, bài tập; nắm chắc và hiểu các khái niệm, định nghĩa, công thức... Cần hệ thống hóa kiến thức đại cương, rồi từ đó đi vào từng phần, từng chương, từng bài. Hình thức thi trắc nghiệm có nhiều yêu cầu cao hơn so với hình thức thi tự luận. Học sinh tránh quan niệm sai lầm là thi trắc nghiệm không cần học kỹ, chỉ cần đánh dấu các câu trả lời theo kiểu hên, xui.
* Thầy Nguyễn Đình Bách, nguyên giáo viên Vật lý Trường THPT Phan Châu Trinh:
Củng cố kiến thức
Thông thường đề thi môn Vật lý ra chủ yếu trong chương trình SGK lớp 12. Tuy nhiên, những năm gần gây, đề thi có khoảng 5-8% chương trình lớp 10 và lớp 11. Vì vậy, các em cần củng cố phần kiến thức ở lớp 10 và lớp 11; cần nắm vững kiến thức cơ bản, thuộc lòng kiến thức, định lý trong SGK và siêng giải bài tập để rèn kỹ năng làm bài.
Đề thi môn Vật lý có 50 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 40 câu phần kiến thức cơ bản và 10 câu hỏi nâng cao phân hóa trình độ học sinh. Kinh nghiệm cho thấy, để kịp thời gian làm bài, câu nào dễ các em làm trước, câu nào khó làm sau.
* Cô Nguyễn Kim Dương, giáo viên môn Toán Trường THPT Ngô Quyền:
Rèn kỹ năng làm bài thi
Đối với môn Toán, học sinh cần dựa vào SGK và tài liệu ôn thi. Các em phải nắm vững lý thuyết, các dạng căn bản, siêng làm bài tập để nâng cao kỹ năng làm bài và tự tìm các đề bài những năm trước để giải, làm quen với các dạng đề thi tuyển sinh.
Trong quá trình làm bài, các em cần bỏ ra ít phút đọc thật kỹ để tránh lạc đề. Câu nào dễ thì làm trước, câu nào khó làm sau.
PHƯƠNG CHI ghi