Rất nhiều bạn trẻ bước chân ra trường nghề vẫn bỡ ngỡ với kỹ thuật mới, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu.
Một giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Nghề Đà Nẵng. |
Trải nghiệm mới thấy khó
Nguyễn Văn Thông, sinh viên khoa Điện - điện tử là một trong hơn chục học viên Trường CĐ nghề Đà Nẵng đang thực tập tại một công trình do Công ty TNHH Kỹ thuật dịch vụ và thương mại Tân Q.A (418 Hoàng Diệu) đảm nhận. Sau thời gian học hỏi, lắng nghe từ các công nhân, kỹ sư đi trước, Thông bắt đầu quen với việc ở công trường. “Trải nghiệm rồi mới thấy khó. Những gì mình học được chỉ là nền tảng, thực tế khác rất nhiều. Ở trường chủ yếu tụi mình chỉ thực hành trên những chiếc máy nhỏ, giờ ra công trường thấy hệ thống máy lạnh lớn dành cho cả tòa nhà nên rất lạ, và mất một thời gian mới làm quen được với hệ thống mới”, Thông chia sẻ.
Hướng dẫn cho Thông và các bạn là anh Huỳnh Tịnh, chỉ huy trưởng công trình của đơn vị. Anh Tịnh cho biết: “Trước đây, mình cũng học từ trường nghề nên rất hiểu bỡ ngỡ ban đầu của các em. Những máy móc tại trường nghề dù được trang bị hiện đại đến đâu cũng không thể theo kịp những hệ thống máy thực tế, mỗi máy đều có công năng riêng. Bởi vậy, mình hướng dẫn các em phải nắm thật kỹ kiến thức cơ bản và bám sát bản vẽ thì mới có thể làm tốt được”.
Từng nhận rất nhiều lớp thực hành từ các trường nghề, anh Lê Nguyễn Quân - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật dịch vụ và thương mại Tân Q.A - chia sẻ: “Công ty hiện có hàng chục lao động, công nhân kỹ thuật, kỹ sư... đủ cả. Việc học với thực tế cọ xát là hoàn toàn khác xa nhau. Có thể anh được học bản vẽ và lắp đặt hệ thống nhưng tiếp xúc thực tế, anh phải học cách lắp sao cho mỹ thuật, cho phù hợp. Chỉ bấy nhiêu cũng là cả chặng đường dài”. Anh Quân cho biết, hiện nay trên thị trường có hàng ngàn chủng loại máy, cái sau hiện đại và khác biệt nhiều hơn với cái trước. Chỉ riêng việc đấu nối máy móc các em cũng phải được hướng dẫn sao cho đúng từng module máy. Chỉ cần trật một chi tiết, nếu không cẩn thận thì rất dễ làm hỏng máy.
Đưa sinh viên đi thực tập nhiều nơi, thầy Huỳnh Ngọc Lĩnh - giáo viên khoa Điện - điện tử thuộc Trường CĐ nghề Đà Nẵng bộc bạch: “Năm nào nhà trường cũng liên kết với doanh nghiệp để đưa các em đi thực tế tại công trường. Sau đợt thực tập, tôi thấy các em tiến bộ và hiểu biết nhiều hơn, tay nghề “lên” thấy rõ”.
Vừa học vừa làm
Vừa học vừa làm được xem là một cách thu nạp kiến thức rất hiệu quả của nhiều học viên trường nghề hiện nay. N.T.T (21 tuổi), học viên lớp điện của một trường nghề trên địa bàn thành phố, thổ lộ: “Vừa học tại trường, mình vừa làm thêm bán thời gian ở một công ty và làm tự do ở các gia đình. Đi làm giúp mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiểu sâu hơn lý thuyết do được va chạm thực tế. Nhờ vậy, việc học ở trường cũng dễ dàng hơn, kết quả cao hơn”. T. còn cho biết, mỗi tháng đi làm có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, có tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt, đỡ phải xin bố mẹ. Ngoài ra, việc giao lưu, tiếp cận nhiều ngoài xã hội giúp T. có thêm nhiều mối quan hệ và cơ hội xin việc sau khi ra trường. T. cũng tiết lộ được một công ty muốn nhận vào làm với mức lương khá khi học xong.
Theo anh Nguyễn Đức Thanh Hùng, Trưởng phòng marketing thuộc Công ty CP Seatecco Đà Nẵng - chuyên cung cấp, lắp đặt hệ thống điều hòa không khí và hệ thống lạnh công nghiệp, việc học viên trường nghề vừa học vừa làm mang lại hiệu quả cao. “Học ở trường, các em chỉ được cung cấp những nguyên lý cơ bản nhưng ra thực tế các em được làm quen với nhiều loại máy của các hãng như: Dawkins, Panasonic, Tosiba…, mỗi hãng có cách lắp khác nhau. Kinh nghiệm tích lũy được là một trong những điểm cộng mà nhà tuyển dụng dành cho các em khi dự tuyển”.
Anh Hùng cho biết, sau khi thử việc 3 tháng tại đơn vị, nhiều em không được tuyển vì không thạo việc do chỉ biết lý thuyết mà thực hành yếu. Ngoài ra, để có thêm kinh nghiệm, học viên cần tranh thủ học hỏi từ những kỹ sư, công nhân lâu năm mà mình quen biết để tự nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, để kết hợp hiệu quả giữa học và hành, theo anh Hùng, các em nên cân đối thời gian để khỏi ảnh hưởng quá lớn đến việc học, cuối cùng lại dở dang, kéo dài thời gian tốt nghiệp.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ