Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2013 được Bộ GD-ĐT tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, về công tác chuẩn bị cho kỳ thi này.
Các trường THPT đang gấp rút tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2013. |
Ông Chinh cho biết:
- Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, toàn thành phố có khoảng 11.070 thí sinh THPT và 1.369 thí sinh bổ túc THPT dự thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Sở đã thành lập 26 hội đồng thi, với tổng cộng 521 phòng thi. Trong đó, có 6 hội đồng thi chung dành cho thí sinh THPT và bổ túc THPT; đồng thời điều động gần 1.500 cán bộ, giáo viên làm công tác kiểm tra, giám sát tại 26 hội đồng thi này. Ngoài ra, Sở GD-ĐT đã lập kế hoạch phối hợp với Công an thành phố tiến hành khảo sát và chọn địa điểm đặt hội đồng in sao đề thi, bảo đảm tất cả các điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
* Trong những năm gần đây, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao trong cả nước. Năm 2012, tỷ lệ tốt nghiệp của hệ THPT đạt 99,53% (năm 2011 tỷ lệ 97,23%), bổ túc THPT đạt 87,11% (năm 2011 tỷ lệ 80,77%). Liệu năm nay con số này sẽ cao hơn?
- Thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học 2012-2013. Vì thế, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các biện pháp về quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc ôn tập, phụ đạo cho học sinh các môn thi tốt nghiệp; tổ chức họp cha mẹ học sinh theo lớp để thông báo tình hình học tập, ôn tập của học sinh để thống nhất biện pháp phối hợp.
Sở GD-ĐT yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường phải đặc biệt quan tâm, giúp đỡ các đối tượng học sinh yếu, trung bình, học sinh thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ bỏ học. Các đơn vị, trường học đã triển khai trọng tâm chương trình môn học; việc ôn tập và làm bài thi phải bám theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; cấu trúc đề thi, ma trận đề đối với mỗi hình thức, mỗi chương trình (cơ bản, nâng cao). Tổ chức biên soạn đề cương ôn tập; hướng cách thức sử dụng các tài liệu ôn tập, kiểm tra theo từng môn, đặc biệt theo từng đối tượng học sinh, hướng dẫn phương pháp ôn tập hiệu quả cho học sinh, tránh hiện tượng học tủ, học lệch. Sở, trường tổ chức kiểm tra học kỳ II đối với các môn thi tốt nghiệp nhằm tiếp cận nội dung, cấu trúc, kỹ thuật làm bài (nhất là các môn thi trắc nghiệm) để kịp thời rút kinh nghiệm giúp học sinh tự tin tham dự kỳ thi. Với sự nỗ lực của toàn ngành, kết quả kỳ thi sẽ phản ánh đúng chất lượng dạy học ở nhà trường.
* Với những học sinh người dân tộc Cơtu ở các xã miền núi huyện Hòa Vang, học sinh có hoàn cảnh khó khăn..., ngành GD-ĐT có biện pháp gì để hỗ trợ các em trong kỳ thi này?
- Cũng như những năm trước đây, kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT chỉ đạo các hội đồng thi phải lưu ý, quan tâm giúp đỡ những thí sinh là người dân tộc Cơtu, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... nếu các em có nhu cầu. Riêng với học sinh người dân tộc Cơtu, người Kinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã miền núi Hòa Bắc sẽ được Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ hỗ trợ tiền ăn, tổ chức xe đưa đón các em trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.
* Theo ông, học sinh cần lưu ý những gì trong kỳ thi này?
- Các em tập trung ôn tập theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của giáo viên. Nội dung ôn tập chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Trong quá trình ôn tập, các em cần sắp xếp thời gian biểu cho các môn thi một cách hợp lý, linh hoạt. Tài liệu ôn tập tốt nhất là sách giáo khoa. Chú ý giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị tâm lý thoải mái để bước vào kỳ thi. Học sinh cần nắm vững quy chế thi, chỉ mang vào phòng thi những dụng cụ được cho phép. Trong quá trình làm bài cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nộp bài.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, thí sinh THPT thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Trong đó, các môn Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Những thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thi thay thế bằng môn Vật lý (thi theo hình thức trắc nghiệm). Đối với hệ bổ túc THPT, thí sinh thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Vật lý. Trong đó, các môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm. |
NGỌC ĐOAN thực hiện