.

Người thầy mẫu mực

.

Cụ Lê Văn Miến là họa sĩ hiện đại đầu tiên của nước ta, nhà giáo dục lớn của đất nước những năm đầu thế kỷ XX, người thầy giáo của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế.

Họa sĩ - nhà giáo Lê Văn Miến.
Họa sĩ - nhà giáo Lê Văn Miến.

Cách nhà tôi gần 3km, trên ngọn đồi nhỏ bên dòng sông Ô Lâu thuộc xã Phong Thu, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có một ngôi mộ đã hơn 70 năm nay được người dân hương khói thành kính quanh năm. Đó là mộ cụ Lê Văn Miến.

Cụ Lê Văn Miến (còn gọi là Lê Huy Miến) sinh năm 1874 tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một dòng họ - gia đình khoa bảng, ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” nên Lê Văn Miến sớm tiếp xúc với sách vở cũng như thấm nhuần truyền thống bất khuất của quê hương. Đây cũng là thời kỳ thực dân Pháp đã bình định xong nước ta và thực hiện chính sách dùng người An Nam trị người An Nam, tuyển chọn một số thanh niên sang học trường thuộc địa ở Paris nhằm đào tạo những quan chức cao cấp trung thành với nhà nước bảo hộ. Ba người được chọn trong khóa học năm 1888 là Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề và Lê Huy Thản - anh trai của Lê Văn Miến. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Lê Huy Thản nhất định không chịu đi, nên Lê Văn Miến đi thay mặc dù lúc này anh mới 14 tuổi, phải khai tăng 2 tuổi mới đủ 16 tuổi theo quy định.

Năm 1892, sau khi tốt nghiệp Trường thuộc địa, Lê Văn Miến không chịu về nước làm quan mà ở lại xin theo học Trường CĐ Mỹ thuật Paris - trường mỹ thuật danh giá của châu Âu thời đó. Ông theo học đến nơi đến chốn tất cả các môn: sơn dầu, phấn màu, bút chì, kiến trúc, điêu khắc… với tâm niệm: “Không học thì thôi, đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết. Dù trong lĩnh vực nào - nhất là về học vấn - nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém ai cả…”.

Chính nhờ sự quyết tâm đó, Lê Văn Miến đạt thành tích rất cao trong học tập và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Sau 7 năm du học ở Paris, năm 1895, Lê Văn Miến trở về nước với hai tấm bằng: bằng tốt nghiệp trường thuộc địa và bằng tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật Paris, con đường quan lộ mở rộng trước mắt với quyền cao chức trọng, bổng lộc hấp dẫn. Thế nhưng, với tấm lòng của một trí thức trăn trở với vận mệnh đất nước, ông chọn con đường nghệ thuật hội họa và giáo dục để thực hiện hoài bão mở mang dân trí.

Năm 1899, Trường Pháp - Việt ở Vinh được thành lập, thầy giáo Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Nhưng chỉ 3 năm sau, năm 1902, nhà văn hóa Đào Tấn - Tổng đốc Nghệ An được cử giữ chức Thượng thư Bộ Công và đưa Lê Văn Miến vào làm việc tại Bộ do mình phụ trách. Đây là dịp để Lê Văn Miến phát huy kiến thức về hội họa, kiến trúc được học tại Pháp. Họa sĩ cung phủ Lê Văn Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc. Rất nhiều tác phẩm hội họa để đời của ông đã ra mắt trong thời gian này như: Bình văn, chân dung vua Thành Thái, Đào Tấn… Trong đó, bức tranh “Bình Văn” được coi là kiệt tác đầu tiên của nền hội họa Việt Nam hiện đại, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được chọn làm trang bìa của cuốn sách “100 họa sĩ Việt Nam thế kỷ XX”.

Sau khi âm mưu chuẩn bị đánh Pháp của Vua Thành Thái bị bại lộ, nhà vua bị quản thúc, Đào Tấn bị bức về hưu, năm 1904 Lê Văn Miến bị đẩy ra Nghệ An giữ chức Đốc giáo lần thứ hai (1904-1907). Từ năm 1907-1913, ông được điều về Trường Quốc học Huế dạy Pháp văn và vẽ. Năm 1913, Trường Hậu Bổ được thiết lập, Lê Văn Miến được cử làm trợ giáo, đồng thời được thăng hàm Hàn lâm viện thị giảng, đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc giáo và năm 1919 được làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Năm 1921, Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và giữ chúc vụ này cho đến khi nghỉ hưu năm 1929.

Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Lê Văn Miến đã góp phần không nhỏ đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước  như: GS Lê Thước, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn…, đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Thành - danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh sau này.

Sĩ phu Bắc kỳ thời Lê Văn Miến.						             Ảnh: Docteur Charles
Sĩ phu Bắc kỳ thời Lê Văn Miến. Ảnh: Docteur Charles

Năm 1907, khi thầy giáo Lê Văn Miến được điều từ Nghệ An vào dạy Pháp văn và vẽ ở trường Quốc học Huế, cũng là thời gian hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành thi đậu vào Trường Quốc học. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đưa hai con đến gửi cho người bạn vong niên là thầy giáo Lê Văn Miến chăm sóc, dạy dỗ để lên đường nhậm chức ở Bình Thuận.

Chính nhân cách, tài năng, tâm huyết của thầy giáo Lê Văn Miến đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ học trò ở Quốc học Huế. Đặc biệt là người học trò xuất sắc Nguyễn Tất Thành, để không lâu sau đó, năm 1911 người học trò ấy mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và hoài bão lớn lao của người thầy giáo kính yêu lên tàu đi về phía kẻ thù của dân tộc để tìm đường cứu nước.

Đúng như GS Lê Thước hàm ơn người thầy của mình: “… Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ..”.

Những năm cuối đời, họa sĩ, thầy giáo Lê Văn Miến sống trong cảnh mù lòa và chọn một mảnh đất bên dòng sông Ô Lâu để an hưởng tuổi già trong sự chăm sóc của các thế hệ học trò của 3 trường Quốc học, Hậu Bổ và Quốc Tử Giám Huế. Đặc biệt, người học trò Nguyễn Tất Đạt (anh trai của Bác Hồ) luôn ở bên cụ trong những ngày cuối đời và lo chu toàn đám tang cho người thầy của mình.

Họa sĩ - nhà giáo Lê Văn Miến mất ngày 6-6-1943. Cụ đã đi trước hai năm, không kịp chứng kiến người học trò xuất sắc của mình đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như cụ hằng mong ước.

Sau khi cụ mất, các thế hệ học trò ở Huế vinh danh cụ qua bức hoành phi “Thế gian Sư” (Thầy của thiên hạ). Năm 2005, tên của cụ được UBND thành phố Huế đặt tên cho một con đường lớn ở phường Tây Lộc trong thành nội Huế và ngôi mộ cụ bên dòng sông Ô Lâu được công nhận là di tích văn hóa. Tuy muộn nhưng đó là sự ghi nhận vinh danh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với nhân cách, tài năng của họa sĩ - nhà giáo lỗi lạc Lê Văn Miến, người thầy giáo kính yêu của Bác Hồ.

NGÔ MINH THUYÊN

;
.
.
.
.
.