.

Thầy và trò cùng làm từ thiện

.

Học trò “học cùng bạn”, “vui cùng bạn”; thầy giáo thì sang ở hẳn nhà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) để tiện chăm sóc cho Mẹ. Đó là những việc làm nhân đạo rất riêng của thầy và trò Trường THPT Phan Thành Tài (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang).

Có “cháu” Khải ở bên, Mẹ Cử vui khỏe lên nhiều. TRONG ẢNH: Mẹ VNAH Hồ Thị Cử và thầy giáo trẻ Phan Văn Khải.
Có “cháu” Khải ở bên, Mẹ Cử vui khỏe lên nhiều. TRONG ẢNH: Mẹ VNAH Hồ Thị Cử và thầy giáo trẻ Phan Văn Khải.

Mẹ như chính mẹ ruột

Có một người con trai duy nhất đã hy sinh, nên ngôi nhà Mẹ VNAH Hồ Thị Cử (94 tuổi, ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) bao năm dài vắng tiếng nói cười của con cháu. 4 năm trở lại đây, sớm hôm Mẹ luôn có một người “cháu” cận kề chuyện trò, ân cần lo lắng mỗi khi trái gió trở trời. Đó là thầy Phan Văn Khải (26 tuổi, giáo viên môn Lịch sử), vừa đầu quân về Trường THPT Phan Thành Tài theo diện thu hút nhân tài của thành phố Đà Nẵng.

Ở quê nhà Quảng Trị, thầy Khải còn một mẹ già neo đơn, nên việc nhận lời gợi ý của trường qua ở hẳn nhà Mẹ Cử không làm anh phải mất thời gian cân nhắc. “Gần Mẹ và được chăm Mẹ giống như mình đang ở bên mẹ ruột, cảm giác rất thân thương, gần gũi”, thầy Khải chia sẻ. Mỗi ngày đi dạy về, được Mẹ để phần một món ăn ngon khiến người thầy giáo trẻ xúc động khôn tả. Trong cảm nhận của anh, Mẹ Cử là người tuyệt vời, có tấm lòng nhân hậu. Cũng chính từ Mẹ, anh học được nhiều điều về nhân cách sống. Biết bao kỷ niệm thân thương của hai bà cháu trong chừng ấy năm sống chung dưới một mái nhà, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là mỗi năm cứ đến mùa lụt, bà cháu lại cùng ngồi ăn mì tôm trên căn gác nhỏ đợi nước rút.

Cô Lê Thị Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thành Tài cho hay: “Công việc chăm sóc Mẹ Cử của trường trước đây chỉ được tập trung một số ngày và chủ yếu là thăm hỏi, chia sẻ tình cảm. Nhưng 4 năm qua, từ khi thầy Khải về trường đến nay, bất kể lúc nào Mẹ ốm đau, mệt mỏi cũng có người ở bên để kịp thời đưa đến bệnh viện. Thầy là người năng nổ, chịu khó nên nhà trường rất yên tâm”.

Với Mẹ Cử, thầy giáo Khải vẫn là đứa cháu bé bỏng cần được quan tâm luôn luôn. Thấy Khải ngồi nói chuyện về hai bà cháu, dù đôi tai già yếu chỉ nghe tiếng được, tiếng mất, nhưng Mẹ Cử cũng tranh thủ nhắc nhở cháu uống nước hay dắt xe máy vào nhà kẻo nắng.

Sắp tới đây, thầy Khải lập gia đình riêng nên có thể anh không còn ở cùng nhà với Mẹ. Đôi mắt không thể giấu niềm xúc động khi gợi lại chuyện sẽ không còn cận kề bên Mẹ, thầy Khải nói: “Đó là quyết định khó khăn, phải mất nửa năm để mình tính chuyện ở riêng khi có vợ con, dù biết rằng sau đó vẫn sẽ đi về nhà Mẹ mỗi ngày”.

Thầy lo “phần cứng”, trò làm “phần mềm”

"Mẹ VNAH Hồ Thị Cử hiện đã 94 tuổi, ngôi nhà của Mẹ được xây dựng cách đây trên 30 năm nên bây giờ đã xuống cấp nhiều. Tôi mong ước nhà Mẹ sẽ được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng lại để Mẹ có nơi ở kiên cố trong những ngày cuối đời"

Thầy Phan Văn Khải

Bên cạnh việc chăm sóc Mẹ VNAH, các thầy cô giáo Trường THPT Phan Thành Tài còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo tiếp sức cho học trò đến lớp. Các thầy cũng có một nguyên tắc ngầm là cố tránh nói đến chữ “nghèo” khi giúp đỡ những em khó khăn, bởi sợ trò mặc cảm. Cô Thanh Hải cho biết, riêng khoản tiếp bước đến trường, “phần cứng” là những việc như mua sắm đồng phục, sách vở, học phí chính thức, phụ đạo, xe đạp sẽ do thầy cô lo liệu. Những “phần mềm” như thăm hỏi khi bạn ốm đau, nhà có tang, v.v… do học sinh tự vận động trợ giúp.

Ở một xã thuộc địa bàn nông thôn, nhưng năm qua, trường đã huy động được hơn 100 triệu đồng từ doanh nghiệp, giáo viên, phụ huynh, học sinh để làm công tác từ thiện gồm cấp học bổng, tặng quà “Vui Tết cùng bạn”, giúp giáo viên học sinh chữa bệnh hiểm nghèo... Với các em bị nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, ngoài được miễn toàn bộ học phí, trường còn tặng thêm mỗi em 200.000 đồng/tháng như một cách động viên học trò. Từ kết quả này, vừa qua, trường được UBND thành phố tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác nhân đạo.

Theo cô Thanh Hải: “Qua những việc làm này, học sinh đã tự rút ra những bài học về lòng yêu thương, sự chia sẻ. Bây giờ, mỗi khi cần vận động giúp bạn, cô chỉ thông báo vào giờ chào cờ đầu tuần là ngay trong ngày hôm đó các em đã tự giác đóng góp. Mỗi trò chừng 3.000 - 5.000 đồng nhưng mang lại nhiều việc làm hay”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.