.

Trường Hermann Gmeiner: Chú trọng giáo dục toàn diện

.

Được thành lập từ năm 1997, Trường Hermann Gmeiner Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ giáo dục cho các em học sinh của Làng SOS cũng như học sinh trên địa bàn, để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp xúc, hòa nhập cộng đồng. Trải qua gần 16 năm xây dựng, trưởng thành, trường đã được UBND thành phố công nhận trường đạt chuẩn cấp quốc gia năm 2009.

Ngay khi mới thành lập, trường được trang bị cơ sở vật chất ban đầu khang trang với 30 phòng học, các phòng bộ môn, thư viện. Cơ sở vật chất ngày càng được trang bị hoàn thiện từ nguồn kinh phí của tổ chức SOS và một phần nguồn hỗ trợ của quận Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, trường có đủ phòng học bảo đảm cho tất cả các lớp học 2 buổi/ngày, có các phòng bộ môn, nhà thi đấu đa năng, phòng máy tính, phòng học đa năng, nhà ăn, nhà bán trú, sân bóng, khu vui chơi cho học sinh.

Đa dạng hóa hình thức dạy và học

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện tại, trường có 72 giáo viên, nhân viên, trong đó có 1 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, luôn tận tụy với công việc và ý thức được việc tự học để nâng cao trình độ, phù hợp với công tác giáo dục hiện nay.

Từ những hình thức giảng dạy phong phú, sáng tạo được giáo viên vận dụng, tỷ lệ học sinh khá, giỏi được duy trì ổn định; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm dần; số học sinh thi đỗ tốt nghiệp, ĐH, CĐ tăng dần theo hằng năm. Từ năm 2001 đến nay, hằng năm số học sinh tham gia thi học sinh giỏi đều tăng và trung bình đoạt từ 65 - 100 giải các cấp.

Với phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh, nhà trường còn tăng cường giảng dạy các bộ môn năng khiếu như bóng đá, cầu lông, võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt tập thể cuối tuần, sinh hoạt chủ điểm, Ban hoạt động ngoài giờ và tổ chức Đoàn - Đội đã tuyên truyền và ký cam kết về việc phòng chống các tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường, thực hiện nghiêm túc các chủ trương về an toàn giao thông. Nhờ vậy, nền nếp của trường được giữ vững.

Đề cao lòng nhân ái

Đến ngôi trường này, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh một anh chị cấp 3 bế một em cấp 1 lên xe buýt trong giờ tan trường, hoặc đỡ các em lên lưng trâu trong vườn động vật vào giờ ra chơi... Những học sinh lớn hướng dẫn các em lớp nhỏ sinh hoạt Sao Nhi đồng. Và ở ngôi trường này, học sinh cũng đã tự thổ lộ tâm tư mình qua hòm thư “Điều em muốn nói”, từ đó những tâm sự sâu kín được các thầy cô chia sẻ, tư vấn.

Cũng ở Trường Hermann Gmeiner, lòng nhân ái luôn được đề cao. Trong đó, những hoạt động được đông đảo học sinh, giáo viên tham gia như “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo vượt khó”, phong trào “Đôi bạn cùng tiến”; chương trình “Mùa Xuân và những trang vở hằng năm”, các hoạt động quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, “Vì người nghèo”, Tuần lễ Hermann Gmeiner vào tháng 4...

Không chỉ từ những phong trào, lòng nhân ái còn thể hiện qua những việc làm thầm lặng hằng ngày, diễn ra ở từng lớp, từng tập thể, từng giáo viên. Đó là những giờ dạy miễn phí cho học sinh luyện thi ĐH, một phần ăn sáng san sẻ tự nguyện của học sinh, một phần ăn của tập thể giáo viên được san sẻ cho một học sinh nghèo…

16 năm qua, hàng ngàn lượt học sinh được nhận học bổng Hermann, nhiều người đã trưởng thành, có vị trí trong xã hội đã về gây dựng quỹ học bổng của cựu học sinh với tên gọi “Vì học sinh Hermann thân yêu”. Quỹ học bổng này đã được trao cho 25 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. “Tình cảm ấy tạo nên truyền thống Hermann, để những ai đã một thời gắn bó ở đây sẽ thấy đó là ngôi nhà thật sự như lời một người thầy, người đồng nghiệp đã rời trường chia sẻ”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tuyết thổ lộ.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.