(ĐNĐT) - Tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường ngày càng đáng lo ngại, nhất là khi nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa hồi phục sau khủng hoảng. Nhiều cử nhân đành ngậm ngùi làm những việc khác với chuyên ngành đã học, chấp nhận rẽ sang hướng khác để mưu sinh và "né" nỗi buồn thất nghiệp.
Sau tốt nghiệp là... thất nghiệp
Đã tốt nghiệp hơn 1 năm nay, cử nhân Hóa Dược - Hoàng Thị Thu Trang (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) vẫn chưa có đất “dụng võ”. Trang không đếm nổi số hồ sơ xin việc mình đã nộp, bởi cứ công ty nào trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng đúng hoặc gần đúng ngành đã học, Trang đều nộp hồ sơ vào nhưng đa phần đều “bặt vô âm tín”. Thời gian này, Trang đành đi làm đủ việc từ gia sư, lễ tân, phát tờ rơi đến... chạy bàn, những công việc không liên quan gì đến kiến thức 4 năm ĐH kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Tôi cảm thấy nhụt chí vì đã nộp cả mấy chục bộ hồ sơ nhưng chỉ vài nơi gọi phỏng vấn, đến khi phỏng vấn thì họ hỏi tôi đã có kinh nghiệm gì chưa? Thậm chí, có nhiều nơi hỏi ngành học của tôi ra là làm cái gì? Có thời gian tôi rất sợ ra đường, vì gặp ai quen cũng hỏi: đã đi làm chưa? Tôi buồn lắm vì sau mấy năm học hành nay chưa có việc làm, dù tôi tốt nghiệp loại giỏi”, Thu Trang buồn bã nói.
Cùng chung cảnh ngộ với Thu Trang, Trương Ngọc Quang, tốt nghiệp Trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng với ước mơ trở thành thầy giáo dạy môn Thể dục, thế nhưng, ước mơ của Quang dường như quá xa vời. “Khóa tôi có gần 1.300 sinh viên ra trường, nhưng năm vừa rồi, chỉ tiêu cho giáo viên Thể dục rất hạn chế. Không thể ngồi không chờ đợi, tôi đành đi làm tiếp thị cho Pepsi. Áp lực doanh số khiến tôi rất mệt mỏi, không biết mình có thể trụ được bao lâu nữa”, Quang than thở.
Rất đông sinh viên đến tham gia hội chợ việc làm. |
Còn với những tân cử nhân vừa ra trường được vài tháng, thất nghiệp là mối đe dọa khủng khiếp nhất. Họ cũng háo hức rải hồ sơ, tìm đến khắp các nhà tuyển dụng nhưng phần nhiều trong số đó nhận lại sự thờ ơ vì doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm.
Vừa đợi việc, Hoài Nhi (ngành Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), vừa xin chân bán hàng cho shop quần áo thời trang. Công việc nhàn hạ nhưng chiếm nhiều thời gian, ngày làm 2 ca 10 tiếng nhưng lương chỉ được 1,4 triệu đồng/tháng. Nhi cho biết: “Tôi cảm thấy nản với việc hằng ngày rong ruổi đi nộp hồ sơ, rồi đi phỏng vấn nhưng cuối cùng không được gì. Hy vọng để rồi thất vọng. Cứ tưởng cuộc sống sinh viên đã khổ, nay nếm mùi cuộc sống cử nhân chưa có việc mới thấy khổ hơn gấp mấy lần. Nghĩ đến khoảng thời gian 4 năm dài “cày cuốc” trên giảng đường đại học, tôi buồn lắm”.
Theo TS. Huỳnh Minh Sơn, Trưởng ban Công tác học sinh - sinh viên ĐH Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng vẫn chưa có một trung tâm hay đơn vị nào chuyên trách vấn đề “đầu ra” của sinh viên nên các trường cũng không nắm được con số cụ thể sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Nhưng qua các kênh thông tin của sinh viên, Hội cựu sinh viên, cộng với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, cũng hiểu được tình hình khó khăn của sinh viên và rất băn khoăn trước thực trạng này.
Vì đâu nên nỗi?
Tình trạng thất nghiệp đáng báo động của cử nhân là hệ lụy của nhiều nguyên nhân. Trong đó, khủng hoảng kinh tế những năm gần đây là nguyên nhân hàng đầu. Nền kinh tế khó khăn kéo theo hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, nhu cầu nhân lực vì thế giảm mạnh. Nếu cần tuyển, họ phải lựa chọn những sinh viên nổi trội nhất. Cơ hội cho sinh viên vì thế càng thu hẹp lại.
Về phía đào tạo, những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng thành lập nhiều, việc này tạo cơ hội cho người học, nhưng dẫn đến việc cạnh tranh chỗ làm sau khi ra trường tăng cao. Thêm nữa, ở Đà Nẵng, vẫn chưa có đơn vị chuyên trách dự báo về mặt vĩ mô. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực cho các ngành ở một số trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm còn hạn chế, việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh phần lớn phụ thuộc vào năng lực đào tạo của nhà trường mà không căn cứ vào nhu cầu của các ngành, các địa phương. Nền kinh tế đi xuống nhưng các trường đại học vẫn tăng quy mô tuyển sinh lên hàng chục lần, việc thất nghiệp là đương nhiên. Ngoài ra, một số trường chạy theo số lượng, chưa bảo đảm chất lượng đào tạo nên trình độ chuyên môn của sinh viên thật sự chưa đáp ứng nhu cầu đơn vị tuyển dụng. Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp ra đời là doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh thương mại, dịch vụ, ít có doanh nghiệp công nghiệp, nên sinh viên các ngành cơ khí, kỹ thuật ra trường khó kiếm được việc làm.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là, do ý thức của người học. “Sinh viên vẫn chạy theo những ngành học kiếm được nhiều tiền mà quên đi rằng, để phát huy tối đa năng lực bản thân, việc chọn nghề phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là phù hợp với năng lực bản thân và nghề xã hội đang cần”, TS. Huỳnh Minh Sơn nói.
Cùng nỗ lực
“Các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giảm quy mô tuyển sinh để tăng cường chất lượng. Đồng thời, tại các trường sẽ thành lập bộ phận theo dõi “đầu ra”, trung tâm giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”, TS. Huỳnh Minh Sơn cho biết. Về phía người học, ông khuyên rằng, sinh viên ra trường muốn có việc làm tốt phải dấn thân, làm những việc nhỏ để tích lũy kinh nghiệm, nếu ngại khó, ngại khổ, chê ít tiền thì sẽ khó thành công.
Còn với Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, kế hoạch nâng cao chất lượng, hỗ trợ việc làm cho sinh viên đang được quan tâm. “Chúng tôi đang cố gắng đào tạo phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Đặc biệt, nhà trường tiến tới việc hợp tác toàn diện với doanh nghiệp bằng cách mời lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng, để họ không chỉ là đơn vị tiếp nhận và sử dụng lao động mà còn trực tiếp cùng với nhà trường đào tạo lao động”, ông Phan Kim Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nói.
Đó là những nỗ lực của các trường, còn với thành phố, theo ý kiến của TS. Huỳnh Minh Sơn, cần thành lập đơn vị dự báo nhu cầu lao động xã hội để định hướng tuyển sinh hằng năm, tránh gây lãng phí về nhân lực và tiền bạc cho xã hội. Về vấn đề này, TS. Phan Kim Tuấn cũng cho rằng, dự báo nhu cầu xã hội là yếu tố quyết định và quan trọng nhất, đồng thời, công tác tư vấn hướng nghiệp nên được thực hiện từ cấp phổ thông để học sinh, sinh viên tìm được hướng đi đúng cho mình.
Đã đến lúc vấn đề “đầu ra” của sinh viên cần được nhà trường và xã hội quan tâm hơn nữa để không lãng phí nguồn nhân lực dồi dào, đang căng tràn nhiệt huyết cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang