.

Dạy trước chương trình lớp 1: Lợi bất cập hại!

.

(ĐNĐT) - Những năm gần đây, việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1 của nhiều phụ huynh không còn là cá biệt. Mặc cho những cảnh báo từ các chuyên gia cùng "lệnh" cấm của cơ quan chuyên môn, các lớp dạy trước vẫn "lén lút" diễn ra với sự "bắt tay" của giáo viên và phụ huynh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sợ thua kém bạn bè!

Trong vai phụ huynh có con sắp vào lớp 1, chúng tôi dễ dàng tìm được những giáo viên “có tiếng” trên địa bàn Đà Nẵng. Đến nhà cô Q. (giáo viên Trường Tiểu học N.G.T, quận Sơn Trà), cô tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và nói “sẽ dạy cháu đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1”. Lớp học của cô Q. hiện có hơn 20 em, đều ở lại bán trú, nhưng chỉ có mình cô vừa dạy, vừa lo ăn uống, vừa quản lý. Khi được hỏi "cô làm sao để xoay sở khi “1 chọi 20” như vậy", cô Q. cho biết đã quen với công việc dạy hè cho trẻ từ nhiều năm nay nên không khó khăn, vất vả gì. “Những trẻ tôi đã dạy, khi lên lớp 1, đều đạt học sinh giỏi”, cô Q. hào hứng kể. Rời nhà cô Q, chúng tôi đến nhà cô L., giáo viên lớp lớn Trường mầm non H.A. (quận Sơn Trà), cô L cũng đang “gõ đầu” 15 trẻ, trong đó có em đã lên lớp 2 nhưng phụ huynh vẫn tin tưởng gửi con cho cô… kèm tiếp. Lớp học của cô L. bắt đầu từ đầu tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8 với mức học phí bán trú mỗi em 1 triệu đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhu cầu gửi con cho cô giáo dịp hè không hề nhỏ. Chị Khánh Loan (ở quận Ngũ Hành Sơn) có con đang học lớp lớn Trường mầm non B.A (quận Ngũ Hành Sơn), ngay khi kết thúc năm học, đã gửi con đi học thêm ở cô giáo gần nhà. Chị Loan cho biết: “Khi đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu, tôi nghe mọi người bàn tán về việc gửi con chỗ cô này cô kia, tôi cũng sốt ruột, phải lo kiếm chỗ mà gửi cháu, nếu không vào lớp 1 cháu thua bạn bè thì nguy”. Cùng tâm lý đó, chị Hải Yến, nhân viên kế toán của một công ty ở Đà Nẵng, chia sẻ: “Nhiều người nói không cho con đi học biết chữ, biết tính trước khi vào lớp 1 thì con sẽ bị lạc lõng, không theo kịp chương trình khi vào năm học mới. Suy đi tính lại mãi, tôi quyết định cho con đi học trước. Mọi người sao mình vậy”. Với suy nghĩ “đầu xuôi thì đuôi lọt”, ngay từ năm đầu cấp mà học giỏi sẽ tạo đà cho việc học của con sau này, vì vậy, các bậc phụ huynh không tiếc tiền tìm thầy cô luyện chữ, tập tính cho con trước ngưỡng cửa vào lớp 1.

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trẻ được học chữ, học toán trước khi vào lớp 1 có phần tự tin hơn những bạn chưa biết gì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, những trẻ biết trước chỉ “nổi bật” được trong thời gian ngắn, sau đó trẻ sẽ dễ có tâm lý chủ quan vì mình đã biết rồi nên không cần nghe cô giảng bài nữa, lâu dài sẽ lại chậm hơn những bạn có xuất phát điểm thấp hơn.

Lợi bất cập hại

"Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ"

Bộ Giáo dục - Đào tạo

Bà Thu Cần, giáo viên nhiều năm dạy lớp 1 đã về hưu chia sẻ : “Hầu hết các em đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 nhưng mỗi em biết mỗi kiểu khiến chúng tôi rất khó dạy. Chẳng thà các em như “tờ giấy trắng” để chúng tôi uốn nắn từ đầu còn hơn là dạy một lớp mà 3, 4 trình độ khác nhau như vậy”. Cô B. (Trường Tiểu học N.T.H, quận Sơn Trà) cho rằng ở lớp mẫu giáo, các em được dạy viết chữ và đánh vần khác, thậm chí là sai hoàn toàn với quy định của chương trình tiểu học. “Các cô ở trường mầm non, các cơ sở dạy học tư nhân đôi khi chưa cập nhật chương trình giáo dục đổi mới, do đó, việc dạy cho các em cách đánh vần, viết nét thanh, đậm... chưa chính xác. Chỉ cần ở cấp mầm non, các em nhận diện được chữ cái, con số, vào lớp 1, giáo viên sẽ dạy cho các em làm toán, viết chữ và tập đọc sau. Nhưng không làm sao để phụ huynh bỏ được tâm lý lo sợ, dẫn đến làm khổ con em mình như thế”, cô B chia sẻ.

Về vấn đề “muôn thuở” này, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, cho biết: Theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Quy định số 13 của UBND thành phố, không được phép dạy thêm cho học sinh bậc tiểu học. Sở cũng thường xuyên nhắc nhở các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường tiểu học để kịp thời chấn chỉnh tình trạng dạy trước này. Tuy nhiên, còn nhiều nơi vẫn tổ chức dạy trái phép.

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, tâm lý phụ huynh luôn nôn nóng, sợ con mình thua kém bạn bè và biết trước tốt hơn, nên cứ hè đến là đổ xô tìm chỗ học cho con. Do đó, ngay từ khi năm học kết thúc, Sở đã có văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm tình trạng này. Nơi nào thực hiện sai quy định sẽ có hình thức xử lý.

Quan điểm của các cơ quan quản lý là vậy, nhưng trên thực tế, chẳng khó khăn gì để tìm thấy những nơi mà các thầy cô giáo dạy học trước cho những trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Câu chuyện này diễn ra hằng năm mà khó có thể giải quyết triệt để. Vẫn biết dạy trước như vậy là phản khoa học, gây khó khăn cho việc đào tạo trẻ khi trẻ chính thức vào lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập nhưng chính các bậc phụ huynh vẫn không thay đổi ý muốn đưa con đi học trước. Và như vậy, cơ quan nhà nước thì không sao quản cho xuể, còn phụ huynh và giáo viên cứ thế "bắt tay" nhau "gõ đầu" trẻ ngay trước khi các bé chập chững bước chân đến trường.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký Chỉ thị yêu cầu các Sở GD-DT phải chấn chỉnh các Phòng GD trên địa bàn, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non không cho trẻ học trước lớp 1, nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.

Các trường tiểu học cần tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để giáo viên có thời gian tổ chức cho học sinh hoàn thành các yêu cầu học tập, hoặc tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường tùy theo khả năng của nhà trường và địa phương.

Giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.

Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1.

Các trường tiểu học cần công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng của nhà trường để cha mẹ học sinh yên tâm. Thực hiện nghiêm túc quy định của chương trình lớp 1, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng; đảm bảo dạy cho tất cả học sinh từ những bài học đầu tiên, không bỏ qua bất kỳ bài học nào.

ĐNĐT

 

;
.
.
.
.
.