Kỳ nghỉ hè được coi là dịp để các em nhỏ có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm dài học tập vất vả. Thế nhưng, nhiều em lại không có được những ngày “xả hơi” đúng nghĩa, mà phải lao đầu vào học thêm với lịch học dày đặc.
Hôm vừa rồi gặp người bạn, hỏi hè này gia đình dự định đi chơi ở đâu, anh bạn cho biết chẳng đi đâu hết, vì bận đưa con gái đi học hè. Con gái anh năm vừa rồi học lớp 4 ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu. Sau khi chia tay với thầy cô, bạn bè trên lớp, cháu nghỉ hè đúng một tuần, rồi được cha mẹ cho đi học thêm các môn Toán, Văn ở nhà thầy, cô. Anh bạn tôi lý giải rằng, bước vào năm học mới, cháu lên lớp 5, rồi sắp sửa vào cấp 2, nên phải đầu tư cho cháu học trước, nếu không thì sợ thua kém bạn bè cùng trang lứa.
Ở bậc THCS, THPT, học sinh đi học thêm trong hè cũng khá phổ biến. Thử xem lịch học hè của em C., học sinh Trường THCS Trưng Vương, chúng tôi không khỏi giật mình bởi lịch học dày đặc trong tuần. C. cho biết, vừa nghỉ hè, em học thêm cùng lúc 5 môn gồm: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, Văn chương trình lớp 9. Từ thứ 2 đến chủ nhật, trung bình mỗi ngày em học từ 2-3 ca ở nhà thầy, cô giáo. Khi được hỏi với lịch học như vậy, thời gian đâu em vui chơi, C. hồn nhiên cho biết, thi thoảng có thời gian rảnh rỗi, em tranh thủ đến nhà bạn cùng lớp chơi khoảng một tiếng đồng hồ rồi về ôn tập bài vở.
Theo một cán bộ làm công tác quản lý trong ngành GD-ĐT, việc gửi con đi học hè là nhu cầu có thật của phụ huynh. Trước hết, nguyên nhân do nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc làm ăn nên không có thời gian chăm sóc, quản lý con cái. Mặt khác, vì sợ con mình thua kém bạn bè nên phụ huynh muốn con em học trước chương trình để vào năm học mới dễ tiếp thu bài vở. Ở góc độ người thầy, vị cán bộ này cũng cho rằng, sau một năm học dài đằng đẵng ở trường, học sinh cần có thời gian vui chơi thoải mái để khi vào năm học mới, các em có sự hứng thú trong học tập. Việc phụ huynh bắt ép con em mình học tập quá nhiều so với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
Còn các giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) khuyến cáo, ở độ tuổi học sinh tiểu học, THCS, trẻ em đang trong quá trình phát triển và hình thành tâm sinh lý. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm bố trí thời gian vui chơi, học tập cho các em một cách hài hòa, tránh tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất, cũng như tinh thần về sau.
PHƯƠNG CHI