.

Nhóm trẻ gia đình: Vô tư hoạt động không phép

.

Do các trường mầm non công lập “lắc đầu” với các đối tượng trẻ 18 tháng tuổi trở xuống, khiến phụ huynh không có chỗ gửi con. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người đứng ra thành lập nhóm trẻ gia đình để nhận các cháu nhỏ từ 10 đến dưới 18 tháng tuổi.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều nhóm trẻ gia đình không phép hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với trẻ.  						(Ảnh mang tính minh họa)
Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều nhóm trẻ gia đình không phép hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với trẻ. (Ảnh mang tính minh họa)

Điều đáng lo ngại là chủ những nhóm trẻ gia đình này đều không được đào tạo bài bản về kỹ năng nuôi dạy trẻ, nên tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn tính mạng trẻ.  

Thiếu chuyên môn giữ trẻ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhóm trẻ A.T đường Khúc Hạo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tìm chỗ gửi con. Mặc dù nhóm trẻ này chưa được cấp phép hoạt động, nhưng ở đây đã có gần chục trẻ đứa trẻ khoảng 10-18 tháng tuổi đang được trông giữ. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, một phụ nữ trông giữ trẻ liền trấn an: “Anh cho cháu đến học đi, ở đây bọn em giữ bài bản lắm, học phí rẻ hơn những nơi khác”. Nghe vậy, tôi hẹn sẽ bàn với gia đình rồi quyết định sau.

Ở địa bàn phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) hiện cũng có nhiều nhóm trẻ gia đình không phép hoạt động. Ở nhóm trẻ của bà M. có 4 đứa trẻ. Sau khi đồng ý gửi con với giá 500.000 đồng/tháng, chúng tôi hỏi nhóm trẻ này có giấy phép không, bà M. thật thà nói: “Cô lớn tuổi rồi, không có việc làm ổn định nên tranh thủ tổ chức giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập, chứ phép tắc gì đâu. Cháu yên tâm đi, mấy năm nay cô nhận giữ trẻ cho người ta, có đứa nào hề hấn gì”.

Dù biết các nhóm trẻ gia đình không bảo đảm về cơ sở vật chất, người giữ trẻ chỉ là những “tay ngang” chứ không có chuyên môn, nhưng nhiều gia đình lao động có thu nhập thấp vẫn phải bấm bụng gửi con mình. Chị Huệ Phương (trú đường Hoa Lư, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: “Vợ chồng tôi hỏi một số trường mầm non công lập, nhưng nhà trường nói là nhận cháu từ 18 tháng tuổi trở lên, chứ không nhận trẻ nhỏ hơn. Hai vợ chồng suốt ngày đi làm, ông bà nội ngoại lại ở xa, nên phải chấp nhận gởi cháu vào nhóm trẻ gia đình trông nom giúp”. “Có hôm đón cháu về nhà, thấy mặt cháu bị bầm tím do té ngã, lòng tôi đau như cắt. Nhưng ngày hôm sau vẫn phải bế cháu đến gởi ở nhóm trẻ, chứ không thì biết ai trông cháu”, chị Phương buồn bã nói.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà, tính đến ngày 5-6, trên địa bàn quận có 6 nhóm trẻ gia đình chưa có giấy phép đang hoạt động. Bà Phạm Thị Hoa, Phó phòng GD-ĐT quận, cho rằng để các nhóm trẻ gia đình không phép hoạt động như vậy, trách nhiệm trước hết do UBND các phường. Bởi theo quy định, UBND xã, phường là nơi ra quyết định thành lập, cũng như thu hồi giấy phép đối với các nhóm trẻ gia đình. Bà Hoa cũng cho biết thêm, về phía ngành GD-ĐT quận, hằng năm đều có văn bản nhắc nhở chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn, nhằm hạn chế tình trạng các nhóm trẻ gia đình hoạt động tự phát.

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các nhóm trẻ gia đình do UBND phường, xã ra quyết định thành lập. Vì vậy, Sở GD-ĐT không thể kiểm soát hết, nhất là đối với những nhóm trẻ gia đình hoạt động không phép. Qua một số lần kiểm tra, các chủ nhóm trẻ gia đình hoạt động không phép lại bảo là họ giữ con, cháu mình chứ không phải làm dịch vụ, nên khó xử lý.

Bà Thanh cho biết thêm, trong thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo lãnh đạo các phòng GD-ĐT yêu cầu phối hợp cùng chính quyền phường, xã tiến hành rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn cho chủ các nhóm trẻ gia đình. Đối với những nhóm trẻ gia đình chưa có giấy phép, nếu nhóm nào đủ điều kiện thì hướng dẫn lập thủ tục cấp phép, còn không đủ điều kiện thì kiên quyết đóng cửa.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI
 

;
.
.
.
.
.