Bằng những nốt nhạc, lời văn và tình yêu thương, các thầy cô Trường Phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đưa các em khuyết tật đến với những ước mơ, giản đơn nhất là mong muốn trở thành người có ích.
Thầy Học dạy đàn cho một học sinh khuyết tật. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Biết ước mơ cũng là đủ
Trưa nắng hè gay gắt, văng vẳng tiếng đàn bầu từ căn phòng ở tầng 2 Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…”. Nghe tiếng người, cô gái khiếm thị Võ Thị Oanh Kiều ngừng tay đàn và mở lời chào sau lời giới thiệu của thầy Lưu Học, người đang hướng dẫn Kiều để cô chuẩn bị thi vào Học viện âm nhạc Huế.
Cha mẹ nghèo, suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, những tưởng cuộc đời của Kiều cũng quẩn quanh trong bốn bức tường ở quê nhà với đôi mắt bẩm sinh không nhìn thấy. Lên 7 tuổi, Kiều được bố mẹ gửi học ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu. Còn nhớ lúc mới vào trường, cô bé khóc suốt vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Dần dần, Kiều thích nghi và làm quen với thầy, với bạn. “Ở đây, em được các thầy, cô dạy dỗ, chăm sóc như con. Em học đàn với thầy Học được 8 năm và rất mê tiếng đàn của thầy. Em chỉ ước sao thi đậu vào Nhạc viện Huế để có thể mang tiếng đàn, tiếng hát của mình đến với mọi người”, Kiều thổ lộ.
Thầy Học cho biết, khả năng thẩm âm và năng khiếu âm nhạc của Kiều hơn hẳn các bạn khác. Hằng tuần, cứ 2 buổi, thầy Học lại chạy xe gần chục cây số đến trường để luyện đàn cho Kiều. Buổi đầu, cũng như các bạn, Kiều không tự tin sẽ học được và 3 tháng đầu là quãng thời gian khó khăn nhất. Thầy và trò phải đánh vật với từng nốt nhạc. Do đàn bầu là “Độc huyền cầm” nên nếu đánh không đúng sẽ không thành tiếng đàn. Bây giờ thì Kiều đã tự tin hơn nhiều.
Không chỉ học năng khiếu, các em còn được học văn hóa đến lớp 6 mới chuyển sang trường học mới để hòa nhập cùng các bạn bình thường. Cô Bùi Thị Diệp Anh - một trong những giáo viên gắn bó với trường từ lâu, từng dạy cho học sinh bình thường ở một trường trong thành phố - cảm thương những đứa trẻ có mảnh đời không may nên đã quyết định chuyển về dạy ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu. Hơn 12 năm làm công tác hòa nhập, can thiệp, hỗ trợ giáo dục trẻ em khuyết tật, cô tự mày mò học chữ Braille, rồi trực tiếp dịch bài, hướng dẫn, sửa bài cho học sinh. “Ngoài chuyên môn, mình phải học thêm những kỹ năng sư phạm đặc thù để tiếp cận với những đối tượng học sinh khác nhau do tâm lý mỗi cấp lớp cũng như mỗi dạng tật mỗi khác…”, cô Anh tâm sự.
Niềm vui của người thầy
Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu hiện có 19 phòng học dành cho 170 học sinh từ mầm non đến cấp III, trong đó có 6 phòng dành cho học sinh nội trú
Trong những buổi học, các thầy vừa dạy chữ, vừa để ý tình trạng sức khỏe của từng em. Theo thầy Học, nếu không có sự kiên trì, cái “tâm” với học trò chắc khó “trụ” được với nghề. Không ít giáo viên trẻ về trường không bao lâu thì ra đi vì không chịu nổi áp lực. Còn cô Anh cho biết: “Phải luôn tâm niệm mình như mẹ của các em, có thế các em mới gần gũi, yêu thương mình. Nếu không kiên trì sẽ không dạy được. Từ các em, mình cũng học được rất nhiều”.
Thầy Học nhớ mãi những ngày 20-11 khi những lần trời mưa tầm tã, các em vẫn nhờ người đưa đến thăm thầy. Thầy cũng tự hào khi nhắc đến đứa học trò Hà Chương - nay đã là nhạc sĩ nổi tiếng đã được thầy dạy đàn trong 10 năm. Và thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Tý từng là học trò của trường và giờ lại trở về để giúp những em bé như mình hiện thực hóa những mơ ước.
K.NGÂN - V.TRINH