Ngày 10-7, thí sinh các khối B, C, D và M dự thi đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vào ĐH Đà Nẵng bước sang ngày thi cuối cùng. Khối B thi môn Hóa; khối C, D, M thi môn Văn buổi sáng và buổi chiều thí sinh khối M thi môn Năng khiếu. Hầu hết thí sinh khối C, D đều đánh giá đề thi môn Văn khá hay, mới lạ và hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là dạng đề mở nên tương đối “khó nuốt”.
Thí sinh trao đổi bài thi sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vào ĐH Đà Nẵng. |
Kết thúc buổi thi môn Văn, các thí sinh dự thi khối C, D đều có chung đánh giá rằng đề Văn ra khá hay, nhưng không dễ đạt điểm cao, bởi các câu hỏi phần lớn yêu cầu thí sinh không chỉ hiểu bài mà còn biết phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Thí sinh Phạm Thị Cẩm Duyên (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thi khối C ngành Sư phạm Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm nhận xét: Đề thi môn Văn khối C hay, em rất thích câu 2 “Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”. Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình”. Duyên cho biết, với câu hỏi này em làm khá tốt, bày tỏ rõ quan điểm của bản thân mình. Cũng theo Duyên, do các câu hỏi đề thi năm nay yêu cầu cao, nên em không đủ thời gian làm bài, chỉ dám hy vọng đạt khoảng điểm 7.
Thí sinh khối D cũng có chung nhận xét rằng, đề Văn khối D năm nay khá hay, gần gũi với đời sống, nhưng rất khó “ăn điểm”. Thí sinh Trần Hữu Vũ (quận Sơn Trà), dự thi khối D vào Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, mới đọc các câu hỏi thì thấy dễ, nhưng khi làm bài thì đòi hỏi phải sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn tư duy phân tích, so sánh, bày tỏ chính kiến bản thân. Trong đó, câu 2 phần nghị luận xã hội “Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải theo con đường đã được vẽ sẵn”. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình”. Vũ rất thích và làm tốt câu hỏi này, riêng các câu hỏi còn lại hơi khó nên em làm không tốt lắm.
Cách ra đề thi tránh học tủ, học vẹt
2 thí sinh bị đình chỉ thi Theo Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm 2013 vào ĐH Đà Nẵng, có 2 thí sinh bị đình chỉ thi (1 trường hợp mang điện thoại di động và 1 trường hợp mang tài liệu vào phòng thi) và 96 thí sinh vắng thi trên tổng số 21.878 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 86,50%. Nhìn chung, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đặc biệt, công tác in sao, bảo mật đề thi được bảo mật tuyệt đối. Tình hình an ninh, trật tự trường thi được bảo đảm tốt. PHƯƠNG CHI |
Đánh giá về đề Văn, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy môn Văn Trường THPT Trần Phú cho biết, cả hai đề thi khối D và C đều rất hay. Cấu trúc của cả 2 đề tương đối giống nhau. Kiến thức phần văn học trải dài chương trình lớp 11 và 12. Những câu hỏi trong đề thi đưa văn học gần gũi với đời sống hơn, giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc học, trình bày ý kiến về một vấn đề cũng như định hướng cho các em có cái nhìn đúng đắn về những vấn đề trong cuộc sống.
Cụ thể, câu 2 và 3b đề thi Văn khối C là những câu hỏi mở yêu cầu thí sinh phải có kiến thức xã hội, sự cảm thụ văn chương thật tốt. Trong đó, câu 2 nhận xét khá thẳng thắn, trung thực, đầy đủ về lối sống truyền thống của người Việt Nam, có cả phần tích cực lẫn tiêu cực. Câu hỏi này học sinh sẽ dễ viết, không ca ngợi một chiều; các em có quyền phê phán, nói lên chính kiến của mình, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Từ đó các em rút ra bài học để vận dụng vào đời sống của chính mình. Đây là câu hỏi nghị luận xã hội hay, nếu học sinh không chịu khó nắm vững kiến thức, kỹ năng thì dễ bị nhầm lẫn giữa thể loại nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Riêng câu 3b nói về sự nhẫn nhục của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam, nội dung câu hỏi có sự kết hợp giữa một tác phẩm được viết trước năm 1945 được học trong chương trình lớp 11 và một tác phẩm viết sau năm 1975 nằm trong chương trình lớp 12. Đề yêu cầu về cảm nhận nên học sinh có thể trình bày những ý kiến của bản thân. Để làm được bài, các em phải nắm kỹ cả hai tác phẩm nằm trong hai giai đoạn sáng tác và được phân bố ở hai năm học.
Về đề thi Văn khối D, thầy Nguyễn Đình Hòa cũng nhận xét: Tất cả các câu hỏi đều nằm trong chương trình, vừa sức thí sinh. Câu 2 là câu nghị luận xã hội khá hay, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về xã hội và có nhiều phương án lựa chọn để trả lời. Câu hỏi này rèn tư duy phản biện. Câu 3b là câu hỏi hay, đặt ra vấn đề cái nhìn của người nghệ sĩ nói riêng và mọi người nói chung về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực đời sống. Thí sinh phải bày tỏ ý kiến của mình, chứ không làm sáo mòn theo những bài văn mẫu thì mới đạt điểm.
Hơn 11.000 thí sinh và người nhà được tư vấn, hỗ trợ Theo thống kê của Thành Đoàn Đà Nẵng, kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại Đà Nẵng, hơn 1.000 lượt tình nguyện viên của chương trình Tiếp sức mùa thi đã được huy động để tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ hơn 11.000 lượt thí sinh cùng người nhà; hỗ trợ gần 3.000 chỗ trọ giá rẻ, 1.618 chỗ trọ miễn phí; 4.100 suất ăn miễn phí được phát đến tận tay thí sinh; 547 chuyến xe thồ miễn phí được huy động để giúp thí sinh và người nhà di chuyển đến điểm thi; đồng thời phát ra 10.000 bản đồ thành phố. KHÁNH HÒA |
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN