Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội do ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào ngày 24-7.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, công tác dạy nghề vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống. Hiện nay, nhiều người muốn con học đại học bằng mọi giá, trong khi chỉ có một số ít còn lại học cao đẳng, trung cấp nghề. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ trường THCS, THPT còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần phải có các chính sách ưu đãi tốt hơn để thu hút học sinh như miễn giảm học phí, cấp thêm học bổng… Đội ngũ giáo viên cũng cần được chăm lo tốt hơn vì không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đều phải tiến hành đào tạo lại, ngay cả đào tạo trình độ kỹ sư cũng không đạt yêu cầu đối với các công ty có vốn FDI, bởi cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng yêu cầu, chương trình học chủ yếu là lý thuyết, ít thực hành...
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố, các chính sách, pháp luật về dạy nghề được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng dạy nghề trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Cụ thể, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy nghề đa dạng, đầu tư cơ sở vật chất tăng… nên hơn 80% số học sinh ra trường tìm được việc làm; ở một số trường, tỷ lệ này lên đến 90-100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố đạt 55%.
Tại buổi làm việc, thành phố đã đưa ra một số kiến nghị: cần ban hành chính sách khuyến khích đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đặc biệt là các đối tượng học nghề; bổ sung trang thiết bị dạy nghề, nhất là các ngành về kỹ thuật cho các trường công lập; bổ sung các quy định cụ thể về liên thông, liên kết đào tạo nghề và dạy nghề có yếu tố nước ngoài; thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp…
KIM NGÂN