Đó là những kết luận của Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quy trình lộn xộn
Phụ huynh chọn sách giáo khoa cho con (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+) |
Cụ thể, kết quả giám sát cho thấy, quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học.
Điều này thể hiện ở chỗ hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học, không có tổng chỉ huy cho từng môn học của tất cả các cấp học, thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp để đảm bảo vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai chương trình-sách giáo khoa.
Kết luận cũng chỉ rõ, hội đồng xây dựng còn thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, nhất là giảng viên dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông cho dự thảo chương trình-sách giáo khoa.
Các đánh giá của Đoàn giám sát cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông cũng chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt giữa các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Theo đó, thay vì xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết sách giáo khoa thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết sách. Sau khi có sách giáo khoa đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia.
Việc thẩm định cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng một cách đầy đủ ngay từ đầu.
Trong khi sách và chương trình còn bất cập thì các điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học còn lạc hậu hơn nữa. Các kiểm tra đánh giá của Đoàn giám sát cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình-sách giáo khoa mới.
Nội dung vừa thừa, vừa thiếu
Sự thiếu khoa học trong quy trình biên soạn tất yếu dẫn đến sự bất cập, vừa thiếu, vừa thừa trong nội dung của chương trình-sách giáo khoa.
Kiểm tra của Đoàn giám sát cho thấy, sách giáo khoa được biên soạn chưa phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh, với trình độ của đội ngũ giáo viên và khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập. Nội dung sách chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức kỹ năng và thời lượng giảng dạy.
Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, rất dễ nhận thấy sách thừa nhiều nội dung với nhiều kiến thức chưa thực sự cơ bản. Nhiều phần yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã-hội khó khăn.
Thừa những kiến thức nặng nề, xa vời, nhưng chương trình-sách giáo khoa lại thiếu những điều cơ bản như dạy đạo đức, dạy kỹ năng sống… Những môn học này gần đây được đưa vào dạng tích hợp nhưng lại thiếu sự linh hoạt.
Cụ thể, việc lồng ghép các nội dung giáo dục về môi trường, an toàn giao thông, dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy… vào các môn học chưa nhuần nhuyễn và linh hoạt, dẫn đến sự quá tải, kém hiệu quả trong quá trình học tập. Chưa kể, các bài giảng này còn nặng về giảng giải lý thuyết, thiếu thực tiễn và sáng tạo nên không thu hút được học sinh.
Chương trình nặng nề, thiếu thực tế và những giờ giảng khô cứng khiến học sinh mệt mỏi (Ảnh minh hoạ: Phạm Mai/Vietnam+). |
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, không chỉ nội dung, phương thức giảng dạy cũng trong tình trạng mất cân đối, nặng về giảng dạy lý thuyết trên lớp mà thiếu hoạt động ngoại khóa như tham quan thực tế cũng như thời gian tự học.
Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, những hạn chế trong việc triển khai chương trình-sách giáo khoa chủ yếu do công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Việc biên soạn chưa có tính khả thi cao, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện chương trình-sách giáo khoa một cách nghiêm túc và sâu sắc,” ông Thi nói.
Trước những nhận xét, đánh giá của Đoàn giám sát, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo không phủ nhận nhưng cho rằng, hơi nặng nề. Ngày mai, 15-8, hai bên sẽ cùng làm việc, thảo luận về vấn đề này.
Vietnam+