Khi sự hụt hẫng do chuyển từ lớp mẫu giáo lên lớp 1 của trẻ ngày càng được cha mẹ nỗ lực rút ngắn bằng cách chuẩn bị tâm lý cho con, tập làm quen nền nếp đi học, học trước chương trình, thì chính cha mẹ lại ngày càng... nghẹt thở vào lớp 1 với bao nỗi lo chạy trường điểm, lớp chọn, thành tích đầu vào...
Trẻ bước vào lớp 1. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
“Hết hơi, hết sức” vì chuyện lớp 1
Tới tuổi thì trẻ vào lớp 1. Chuyện đơn giản này hóa ra lại ngày càng phức tạp với cuộc đua chọn trường, chọn... cô và chọn bằng cấp ngoại ngữ.
Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2013-2014 cho biết, dù còn mấy ngày nữa bé mới chính thức đi học, nhưng tại thời điểm này, bé đã có thể “tốt nghiệp lớp 1” được rồi với thành tích đạt điểm 10 ở tất cả các bài kiểm tra thử. Chị chia sẻ thêm: “Làm sao không giỏi khi mình đã đầu tư cho con học dự thính mấy tháng ở nhà một cô giáo nổi tiếng trong thành phố. Ngoài chương trình chung của lớp 1, cháu còn tham gia hai khóa học “Toán thông minh” và tiếng Anh ở trung tâm quốc tế. Riêng việc trang bị kiến thức trước lớp 1 hết 10 triệu đồng”. Chị còn khẳng định, học vậy là ít bởi nhiều phụ huynh thậm chí không cho con đi mẫu giáo lớn mà dành khoảng thời gian đó học trước chương trình lớp 1.
Chưa hết, sau khi họp bàn cả đại gia đình, vợ chồng chị quyết định mọi cách phải “nhét” con vào Trường H.V.T, dù qua theo dõi thông tin báo chí được biết riêng năm học này khó mà thực hiện trót lọt chuyện nhập học trái tuyến, nhất là vào các trường điểm. “Biết khó nhưng cố hết sức xem sao. Nếu khó quá, mình cho cháu… trái tuyến ở trường khác. Không lo con học dở vì bé học hết rồi, nhưng hồi hộp mỗi chuyện có vào được trường như ý không”, chị nói. Trước câu hỏi vì sao không cho con học “trường làng”, chị chỉ cười thay cho câu trả lời.
Sự “hết hơi, hết sức” lo cho con vào lớp 1 của phụ huynh giờ đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Một chị là cán bộ Nhà nước cho biết, dù các chuyên gia giáo dục, tâm lý thường khuyên không nên cho con học trước hoặc cứ để mọi việc diễn ra tự nhiên, người lớn đừng tác động nhiều, nhưng theo chị, như thế là… sai lầm vì lớp 1 bắt đầu tốt đẹp thì có thể coi đó là bước tạo đà để tiến xa trên con đường học tập lâu dài; còn không, mới vào lớp, trẻ đã cảm thấy mình “đuối” thì sẽ sợ luôn việc học.
Hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi
Giảng viên tâm lý, TS Nguyễn Thị Trâm Anh (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 là thời gian khủng hoảng không chỉ của riêng trẻ mà còn với cả gia đình. Bản thân trẻ phải thích nghi với những thay đổi lớn trong sinh hoạt và tâm lý, còn phụ huynh thì căng thẳng, lo âu về việc lựa chọn một môi trường “lý tưởng” để con mình được hưởng những ưu đãi tốt nhất. Từ tâm lý của phụ huynh với những lo âu, sốt sắng dẫn đến những bàn cãi, tranh luận trong gia đình về việc xin trường điểm, xin cô giỏi, “chạy” để con được vào trường mà bố mẹ thấy yêu thích…, làm cho trẻ trở thành tâm điểm của cuộc nói chuyện đó. Nếu cuộc nói chuyện không tốt đẹp thì trẻ sẽ cảm thấy mình như là trung tâm của mọi… rắc rối. Chưa kể, ở các trường danh tiếng, một số cha mẹ thường “quan tâm” thầy cô giáo quá mức, với mong muốn con mình được yêu thương, dạy dỗ tốt nhất. Hành động này có thể vô tình khiến trẻ nhìn thầy cô với ánh mắt ỷ lại.
Theo TS Nguyễn Thị Trâm Anh, khi trẻ quá căng thẳng có thể dẫn đến stress học đường và biểu hiện ở một số trạng thái như: nôn ói, đái dầm, đau bụng, khóc nhè, v.v… Trường hợp căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng kém thích nghi của trẻ và các rối loạn tâm sinh lý trầm trọng khác.
TS Trâm Anh nói rằng, thường thì căn cứ để cha mẹ chọn trường điểm cho con là dựa vào dư luận xã hội mà ít cân nhắc khả năng thực tế của trẻ có phù hợp với môi trường đó hay không. Bởi có bé sẽ giỏi lên trong môi trường bạn nào cũng học rất giỏi và được đầu tư nhiều cho việc học. Ngược lại, có bé bị áp lực lớn và mặc cảm vì sức học hạn chế.
Giảng viên Trâm Anh chia sẻ một số biện pháp chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào cấp 1 đối với các phụ huynh: Thứ nhất, cha mẹ không chỉ chuẩn bị tâm lý cho trẻ mà còn cho chính bản thân mình. Không nên tạo áp lực cho con bằng việc cho con học cấp tốc, học thật nhiều kiến thức trước khi vào lớp 1, và cũng tránh tạo áp lực bằng sự tranh luận, bàn bạc chuyện vào lớp 1 trước mặt trẻ. Cha mẹ hãy nghĩ rằng, môi trường giáo dục nào cũng sẽ có mặt này mặt kia, quan trọng nhất đối với trẻ là trẻ cảm thấy yêu thích khi đến trường, thoải mái với môi trường học tập và đó cũng chính là điều kiện để trẻ có hứng thú học tập, thích nghi. Thứ hai, để trẻ có cảm giác sớm về sự yêu thích trường học, cha mẹ có thể đưa trẻ đến ngôi trường mà trẻ sẽ học để trẻ tham quan, đồng thời tìm kiếm các câu chuyện về ngày đầu tiên đến trường và công việc học tập ở trường (có thể là cả những câu chuyện trong thời thơ ấu của bản thân mình) để kể cho bé. Thứ ba, có thể tập cho trẻ một số thói quen như: thức dậy đúng giờ, ăn sáng đúng giờ, soạn sách vở trước khi đi ngủ, tự mặc quần áo v.v…
Và một lời nhắn nhủ của TS Trâm Anh đối với thầy cô giáo lớp một và cha mẹ có con vào lớp một là: Trước số 1 là số 0, trẻ chưa biết gì mới vào lớp một, hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi.
Ngày 15-8, ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, cho biết hiện nay, hàng trăm học sinh học trái tuyến tại một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu như Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh... đã trở về các trường tại địa phương nơi cư trú để học tập, khiến một số trường tiểu học tăng sĩ số. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, thầy Đàm Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà) cho biết: “Năm nay, số học sinh vào lớp 1 của trường tăng nhiều so với năm ngoái. Nếu năm ngoái chỉ khoảng 170 em thì năm nay tăng lên khoảng 200 em (tổng số học sinh 5 khối lớp của trường khoảng 900 em). Cơ sở vật chất của trường được bổ sung thêm 80 bàn ghế mới trong năm học này, bảo đảm yêu cầu dạy và học”. Dù không có số thống kê cụ thể nhưng thầy Hà cho biết, trong số học sinh nộp hồ sơ vào trường năm nay có những em nộp trễ do đã nộp đơn vào các trường trái tuyến trên địa bàn quận Hải Châu trước đó, nay không được nhận thì quay về nộp hồ sơ đúng tuyến. Còn tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê), năm nay, số học sinh của trường cũng tăng hơn 1 lớp so với năm học trước, hiện có khoảng 364 em. Theo thông tin từ Ban giám hiệu nhà trường, có những hồ sơ nộp trễ, có thể do đã nộp ở nơi khác trước đó. Được biết, UBND thành phố đã yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh; lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hải Châu; UBND quận Hải Châu phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải nói không với học sinh trái tuyến để giảm tải cho các trường. KIM NGÂN |
TRÀ MY