Học sinh (HS) nghỉ học 2 buổi, Hiệu trưởng và lãnh đạo UBND phường phải biết và phối hợp cùng các đoàn thể tìm hiểu nguyên nhân, vận động các em trở lại lớp ngay. Bằng biện pháp tích cực thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ba năm qua quận Liên Chiểu giảm dần số học sinh bỏ học và tiến đến mục tiêu không còn HS bỏ học vào năm 2015.
Theo sát quá trình học tập của HS
“Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, năm học nào Ban Giám hiệu nhà trường cũng triển khai đồng thời hai kế hoạch bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu”, thầy Nguyễn Văn Thôn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Anh Xuân cho biết. Để nâng chất lượng dạy và học thì cả hai kế hoạch này đều phải coi trọng và tập trung như nhau. Ở trường, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm theo dõi tính chuyên cần của các HS, đặc biệt là các em có học lực trung bình đến yếu. Nếu nghỉ học 1 ngày, giáo viên chủ nhiệm phải biết lý do, nghỉ 2 ngày không lý do chính đáng, Hiệu trưởng phải được biết để báo cáo Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách mảng văn hóa-xã hội để có biện pháp tìm hiểu, động viên các em trở lại lớp ngay. Công tác phối hợp ngăn ngừa HS bỏ học được triển khai đến cấp ủy của chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư, cán bộ tổ dân phố.
Thầy Thôn cho biết: “Nhà trường thông tin kịp thời về tình hình học tập, biểu hiện tư tưởng khác thường của HS yếu có nguy cơ bỏ học và nhận được phản hồi về tình hình gia đình cũng như đánh giá ban đầu về nguyên nhân các em có dấu hiệu sẽ bỏ học. Qua đó cùng bàn cách thuyết phục gia đình, vận động các em trở lại lớp”. Đến cuối năm học, danh sách HS yếu phải thi lại được gửi về phường để Đoàn Thanh niên tổ chức ôn tập trong dịp hè. Đến đầu tháng 7, trường tiếp tục mở lớp phụ đạo cho các em này để tổ chức thi lại vào đầu tháng 8. Trong suốt quá trình này giáo viên chủ nhiệm phải theo sát các em HS yếu đến cùng, bởi đây là sản phẩm của mình, thầy cô phải có trách nhiệm.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết: Ngành Giáo dục, chính quyền quận và các phường đều xác định rất rõ trách nhiệm. Ngành Giáo dục phải đẩy mạnh phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực”, nâng chất lượng giảng dạy và học tập, lập tổ ngăn ngừa HS bỏ học ở các trường, thông tin tình hình học tập của HS. Chính quyền có biện pháp hỗ trợ không để bất cứ HS bỏ học vì lý do nghèo, gia đình gặp hoạn nạn bất ngờ. Chỉ trừ một số rất ít các em thực sự không muốn tiếp tục học nữa đành phải tìm hướng học nghề cho các em. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT thường xuyên tiến hành kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh ngay những giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, giảng dạy kém hiệu quả, nhất là thiếu sự quan tâm giúp đỡ đối với học sinh học yếu, kém, có hoàn cảnh khó khăn. Bằng nhiều biện pháp tích cực, số HS bỏ học giữa chừng đã giảm nhiều. Đến đầu năm học 2013-2014, toàn quận còn 2 HS bậc THCS bỏ học đang được tư vấn và động viên đi học nghề.
Không để con nghèo như mình
Ba năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU trên địa bàn quận Liên Chiểu không chỉ nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của nhà trường, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đối với việc ngăn chặn HS bỏ học, mà còn tác động tích cực đến người dân ý thức hơn về việc học của con.
Theo đánh giá của chính quyền các phường trên địa bàn, nhiều hộ dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã quan tâm đầu tư cho con cái học hành để lập nghiệp, thoát cảnh nghèo khó. Chị Nguyễn Thị Thăng ở phường Hòa Khánh Nam, một phụ nữ đơn thân sống bằng nghề nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn cho biết: “Tôi vẫn lấy chính bản thân mình ra để động viên con gái: Con phải học thật giỏi để sau này không phải khổ như mẹ”. Chị rất tự hào về cô con gái Nguyễn Thùy Dung năm nay vào lớp 8 với thành tích 7 năm liền học sinh giỏi và đạt giải 3 Olympic tiếng Anh cấp quận năm học 2012-2013. Nhiều năm liền mẹ con chị luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ cải thiện về nhà ở, phương tiện làm ăn, học bổng của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm. Nhờ vậy mà con gái của chị rất quyết tâm, nỗ lực học tập.
Cùng cảnh nhặt rác kiếm sống, chị Nguyễn Thị Nguyện cũng rất mong con gái chú tâm vào việc học tập. Chị cho biết: Nhặt rác vất vả, hít mùi hôi lắm, con gái muốn bỏ học đi làm cùng nhưng không bao giờ tôi cho phép. Tôi chỉ muốn nó học thật tốt”. Không phụ lòng mẹ, lại được chính quyền quận, phường hỗ trợ, cô con gái Nguyễn Thị Huyền Trâm của chị vừa tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và bắt đầu sống bằng nghề của mình.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết: Chính quyền, Mặt trận và đoàn thể của phường luôn nắm chắc tình hình các hộ nghèo, hộ khó khăn có con đi học và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, đúng lúc, không để các em HS bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Mặt khác, hằng năm sau kỳ thi đại học, cao đẳng, UBND phường tổ chức đối thoại với phụ huynh cùng các HS không đỗ đại học, cao đẳng và không đỗ lớp 10 trường THPT công lập, qua đó tư vấn cho các em lựa chọn hướng đi. Có em sẽ tiếp tục ôn tập kiến thức để năm sau thi lại, có em không đỗ lớp 10 trường công lập sẽ vào trường THPT tư thục hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận, có em chuyển sang học nghề. Em nào có khó khăn, phường sẽ hỗ trợ ban đầu để đủ điều kiện vào năm học mới. Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể luôn hết mình vì các em nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của phụ huynh để các em tiếp tục học tập hay chuyển sang học nghề, tránh xa các tệ nạn, phạm pháp.
ĐOÀN SƠN