.

Đường đến lớp của trẻ em "da cam"

.

Trời nắng gắt. Hai chị em Ly “da cam” vẫn gắng bước thật nhanh để kịp giờ đến lớp. Bỗng cô chị ngồi thụp xuống đất vì mệt. Cậu em liền chạy lại nâng chị dậy và hai chị em tiếp tục đi.

5 năm nay, những bước chân bé nhỏ ấy chưa bao giờ chịu dừng lại trên con đường đến trường.

Em Nguyễn Thị Ly nhận học bổng do Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam tặng.
Em Nguyễn Thị Ly nhận học bổng do Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam tặng.

Nỗi đau số phận

12 giờ 30 mới đúng giờ vào lớp, nhưng trưa nào cũng vậy, mặc trời nắng chói chang, hai chị em Nguyễn Thị Ly (12 tuổi), còn gọi là Ly “da cam” và Nguyễn Quang Mừng (11 tuổi), ngụ tổ Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, đã bước đều trên đường đến lớp. Từ khi học lớp 2 cho đến bây giờ là học sinh lớp 6/3 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai trò nhỏ vẫn đi bộ đến trường như thế. Nhìn theo hai chiếc bóng gầy gò, nhỏ xíu trên đường khuất dần, chị Lê Thị Thu (42 tuổi), mẹ của hai em, chảy nước mắt. Quẹt nhanh những giọt nước mắt, chị lại tất tả đi phụ việc ở một địa điểm gần đó để kiếm tiền nuôi mấy mẹ con và người chồng bị bệnh.

Nhớ lại ngày bé Ly cất tiếng khóc chào đời, lòng chị Thu lại nhói đau. Cô bé sinh ra yếu ớt, nhỏ xíu, khuôn mặt lại méo mó, hai tháng liền phải sống trong lồng kính. Ly đau ốm triền miên, khuôn mặt biến dạng do di chứng chất độc da cam từ ông ngoại. Sau khi sinh Ly, vợ chồng chị Thu may mắn sinh thêm được một bé trai khỏe mạnh, đặt tên Mừng. Dù lớn hơn Mừng 1 tuổi nhưng do đau yếu nên cô chị Ly đang học lớp một phải bỏ giữa chừng, sau đó đi học lại và giờ thì học chung lớp 5 với cậu em. Người chồng bị bệnh xơ gan giai đoạn cuối và viêm não nằm nhà nên một mình chị Thu phải gồng gánh nuôi cả gia đình bằng công việc phụ quét dọn, tưới cây thuê. Vậy là từ năm học lớp 2 đến nay, bé Ly và em trai đều phải đi bộ đến trường. “Vừa đi, vừa ngồi nghỉ cũng mất 20 phút, nhưng bọn con đi quen rồi nên không thấy mệt”, Ly cười hồn nhiên. Có bận thở dốc vì mệt, nhưng Ly vẫn động viên em đi tiếp không thì muộn giờ. Cứ thế, đường đến trường dần ngắn lại.

Cũng mang di chứng của chất độc da cam như Ly, năm học mới này, La Thành Nghĩa (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), đang học lớp 12/6 Trường THPT Ngũ Hành Sơn vẫn chưa được mẹ sắm đồ mới. Nghĩa nói với mẹ: “Nhà mình nghèo, con dùng lại đồ của anh trai cũng được”. Chị Trần Thị Hoa (48 tuổi) - mẹ Nghĩa - xót xa nhưng đành vậy vì một mình chị phải bươn chải nuôi một đàn heo và phụ việc cho người ta nhưng cũng không đủ tiền nuôi 6 người con, trong đó có hai anh em Nghĩa và Toàn (La Thành Toàn) bị di chứng da cam nặng.

Hơn 10 năm nay, mặc trời nắng hay mưa, ngày nào cũng vậy, chị Hoa đều chở hai anh em Nghĩa, Toàn đến cổng trường rồi lại cõng các em vào phòng học. Hiện Toàn sức khỏe quá yếu nên phải ở nhà, người mẹ vẫn tiếp tục động viên đứa con trai còn lại đến lớp. “Con còn muốn học là mình còn cố gắng để con được đến trường dù có khó khăn đến mấy”, chị Hoa thổ lộ. Dù đoạn đường từ nhà đến trường không xa lắm nhưng chị Hoa phải chạy xe máy mất gần nửa tiếng đồng hồ vì đi nhanh sợ Nghĩa lên cơn đau.

Ước mơ bé nhỏ

5 năm học từ lớp 1 đến lớp 5, hai chị em Ly đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, khá. Căn nhà trống trải của chị Thu chẳng có gì đáng giá, chỉ có hàng loạt giấy khen của hai chị em Ly treo trên tường. Và chị Thu coi đó làm niềm tự hào, động lực để làm việc. Cũng có bận thấy Ly học bài xong, gục xuống bàn vì mệt, chị Thu định cho con nghỉ học nhưng cô bé nhất quyết không chịu, đòi đi học để “sau này làm cô giáo dạy chữ cho các bạn da cam như con”. Năm học này, chị Thu dành dụm mua cho hai con bộ sách mới. Hai đứa cứ nâng niu mãi, hít hà mùi thơm của giấy và hứa với mẹ nhất định sẽ giành danh hiệu học sinh giỏi.

Ly cho biết, em thích học nhất môn Tiếng Việt. Điểm Tiếng Việt của Ly lúc nào cũng 8 hoặc 9. Với Nghĩa, những hôm đau quá phải nghỉ học, em buồn lắm. Nhìn con ôm quyển sách vào lòng mà chị Hoa cũng buồn lây. Nghĩa thích học nhất là môn Ngữ Văn và Tin học. Nghĩa bảo, em chỉ mong học được cái chữ và học lấy cái nghề để giúp đỡ mẹ vì thấy mẹ khổ quá.

Dù với Nghĩa, với Ly và nhiều trẻ da cam khác, đường đến ước mơ vẫn còn xa lắm bởi những cơn đau do di chứng da cam hành hạ, bởi giọt nước mắt của mẹ mỗi đêm vì khốn khó…, nhưng các em vẫn cố gắng bước tiếp trên con đường đến trường.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.