Chiều 19-9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT trao đổi với báo chí về dự thảo Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, cùng với hướng đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK), việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng được thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cải thiện gọn nhẹ hơn và có thể lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ tổ chức, Thường trực Ban soạn thảo Đề án, cho biết dự thảo lần này đã thẳng thắn và đúng mức hơn trong việc đánh giá thực trạng giáo dục, trong đó khẳng định rõ những nỗ lực và thành quả đã làm được, cũng như những bất cập, yếu kém. Những giải pháp đặt ra đều trên cơ sở tiếp thu những thành quả và khắc phục những yếu kém được chỉ ra một cách cụ thể.
Với đề xuất về cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân 11 năm hay 12 năm, ông Bùi Mạnh Nhị cho biết, Ban soạn thảo đề án đã thống nhất kiến nghị Trong đó tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc (9 năm), THPT là giai đoạn giáo dục nâng cao, phân hóa, định hướng nghề nghiệp.
“Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống giáo dục của nhiều nước, phần lớn cũng 12 năm. Theo khảo sát ở 21 nước, số giờ dạy học trung bình là 8.984 giờ, cao nhất là Mỹ 12.893 giờ. Trong khi ở Việt Nam, do chỉ dạy học 1 buổi/ngày (chính khóa) nên số giờ dạy học chỉ có 7.924 giờ. Nếu giảm xuống 11 năm, sẽ khó bảo đảm chất lượng. Những nghiên cứu khác cho thấy học sinh ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về tâm lý và nhân cách nếu tốt nghiệp hệ phổ thông 11 năm”, ông Nhị lý giải.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục mới sẽ chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực người học, tập trung nâng cao chất lượng thay việc chú trọng phát triển số lượng như giai đoạn qua.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tình trạng quá tải sẽ được cải thiện với định hướng thiết kế chương trình - SGK mới theo hướng tích hợp ở bậc học thấp và phân hóa mạnh mẽ ở bậc học cao (THPT), tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học, không truyền thụ kiến thức một chiều, áp đặt. Cùng với hướng đổi mới chương trình - SGK, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng được thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cải thiện gọn nhẹ hơn và có thể lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh (bên cạnh việc tổ chức các hình thức tuyển chọn riêng theo đặc thù mỗi trường).
TTO