Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tràn lan, nhưng các trường ĐH, CĐ ngày càng “mọc” ra nhiều hơn. Ngoài những ĐH quốc gia, ĐH vùng, số lượng các trường ĐH, CĐ, TCCN tư thục cũng hiện diện khắp các địa phương trên cả nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Do công tác đào tạo “vênh” với nhu cầu xã hội nên nhiều tân cử nhân, thạc sĩ sau khi ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Tâm lý phụ huynh và học sinh muốn kiếm tấm bằng ĐH, dù ở trường công lập hay tư thục. Còn các trường tìm cách “vét” thí sinh trong các kỳ tuyển sinh để giữ nồi cơm cho mình, sinh viên sau khi ra trường có việc làm hay không thì họ không cần biết.
“Loạn” trường
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho hay, Sở chỉ quản lý các trường TCCN trên địa bàn. Theo thống kê, đến nay toàn thành phố có 5 trường TCCN tư thục, 3 trường TCCN của bộ, ngành và 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN đang hoạt động, với tổng số gần 15.000 học sinh các ngành đào tạo. Trong số ấy, hằng năm học sinh ra trường khoảng 7.000 em.
Còn theo khảo sát của chúng tôi, ngoài số lượng trường TCCN nói trên, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có trên 30 trường ĐH, CĐ công lập lẫn tư thục đang hoạt động, với nguồn tuyển mỗi năm khoảng 50.000 sinh viên. Trung bình mỗi trường tuyển trên 1.000 sinh viên/năm học. Ngoài ra, tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước, địa phương nào cũng có trường ĐH, CĐ, TCCN, nghĩa là gần như mạng lưới trường ĐH, CĐ, TCCN đã phủ kín trên phạm vi cả nước.
Những năm gần đây, tình trạng sinh viên ở Đà Nẵng và một số địa phương khác sau ra trường không có việc làm rất nhiều, nhưng vì sao quy mô tuyển sinh vẫn ngày càng “nở ra”? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, hiệu trưởng của một trường ĐH cho rằng, chỉ tiêu đào tạo hằng năm của nhà trường được Bộ GD-ĐT giao và nhà trường đào tạo nguồn nhân lực trên cả nước chứ không chỉ riêng cho địa phương nào. Chẳng hạn, trường đóng ở Đà Nẵng nhưng có cả học sinh ở Hà Nội, Ninh Bình, Bình Định… theo học. Nguyễn Hải Nam (quê ở Hà Tĩnh), vừa tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho biết chi phí cho 4 năm học - cả học phí và tiền thuê nhà trọ, ăn uống tằn tiện cũng mất khoảng 112 triệu đồng. Như vậy, hàng trăm cử nhân ra trường phải cất bằng để làm công nhân hoặc các công việc thời vụ hiện nay thì chi phí nhẩm tính con số không hề nhỏ.
Ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng nhìn nhận: “Tình trạng lãng phí vì đào tạo nhiều mà không sử dụng được như trên đầu tiên do việc đào tạo quá nhiều như hiện nay, trong khi nhu cầu những ngành, nghề đó không thiếu, còn ngành thiếu thì lại ít đào tạo vì ít người học. Nguyên nhân thứ hai phải kể đến là thời gian qua, kinh tế khó khăn nên số doanh nghiệp giải thể cũng nhiều, một lượng lớn lao động có trình độ dôi dư và tất nhiên họ phải tìm việc mới để mưu sinh, dù công việc đó có khi không liên quan đến kiến thức hoặc bằng cấp họ đang có.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Chiến, Chủ tịch CLB Giảng viên cao cấp của chương trình Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây là hệ quả mở các trường ĐH tràn lan, các hệ như: ĐH liên kết, ĐH liên thông, ĐH mở, tại chức thi nhau mọc như nấm sau cơn mưa, thậm chí cả thạc sĩ liên kết, thạc sĩ mini, v.v… Đa số họ chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng và nhu cầu thật sự của xã hội nên đẩy sự mất cân đối giữa cung cầu, làm “thừa thầy thiếu thợ”.
Đào tạo không theo nhu cầu xã hội
Một thực tế phải thừa nhận rằng, nhiều học sinh vẫn chọn con đường học ĐH hoặc CĐ để tiến thân, lập nghiệp, trong khi trình độ văn hóa của các em và khả năng tài chính của gia đình không đáp ứng được.
Trường hợp ra trường không có việc làm, thì nhiều người tiếp tục học cao học với suy nghĩ có bằng cấp cao sẽ dễ kiếm việc làm. Tại ĐH Đà Nẵng, số lượng thí sinh trẻ dự thi cao học hằng năm khá nhiều. Chỉ tính riêng các lớp khóa K29, trong tổng số 1.800 thí sinh dự thi, có đến gần 200 thí sinh sinh năm 1990 (mới tốt nghiệp) và gần 1.000 thí sinh sinh năm 1988, 1989.
Thế nhưng, nhiều ứng viên có bằng thạc sĩ khi dự tuyển cũng thất vọng, như trường hợp của chị P.T.T.Nh. (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Mặc dù Nh. đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm, ngành Ngữ văn (ĐH Đà Nẵng) loại giỏi và thạc sĩ Văn học Việt Nam loại giỏi, nhưng qua 3 lần nộp hồ sơ xét tuyển giáo viên tại Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đều bị trượt.
Ông Ngô Văn Nhân, Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT dẫn chứng, năm học 2011-2012, Sở tuyển 3 giáo viên, nhưng điểm xét tuyển của chị Nh. tính từ cao xuống thấp đứng thứ 9/49 ứng viên nộp hồ sơ xét tuyển. Tiếp đến, năm học 2012-2013, Sở tuyển 2 giáo viên Ngữ văn THPT, nhưng lần này Nh. xếp vị trí thứ 41 tính từ trên xuống. Và kỳ tuyển giáo viên năm học 2013-2014, chỉ tiêu tuyển dụng của Sở GD-ĐT chỉ có 1 giáo viên Ngữ văn THPT. Có 20 người nộp hồ sơ ứng tuyển, trong đó một trường hợp có bằng thạc sĩ, tốt nghiệp ĐH loại giỏi và 4 trường hợp tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc. Lần này, Nh. xếp vị trí thứ 13 tính điểm từ trên cao xuống.
Ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT khẳng định: Quy trình xét tuyển giáo viên hằng năm của Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng rất chặt chẽ, công khai, minh bạch, nên không có chuyện thiên vị người này người kia. Cũng theo ông Thanh, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng giáo viên bậc THPT khá ít, vì quy mô bậc học này không phát triển. Vì vậy, hằng năm Sở GD-ĐT chỉ tuyển mỗi bộ môn từ 1-3 người. Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các trường ĐH không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương, đào tạo ồ ạt nên mới dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.
Thạc sĩ Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng cho rằng, tâm lý nặng bằng cấp, xem nhẹ chữ “nghề” khiến các em chọn học nghề là sự lựa chọn cuối cùng. Việc các trường ĐH đua nhau “mọc”, trong đó có nhiều trường không đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đào tạo đa ngành nghề dẫn đến đào tạo không chuyên sâu, có sự trùng lắp các ngành nghề không đạt chất lượng. Học sinh không phân loại, giỏi, kém đều thi vào ĐH dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đào tạo không gắn với nhu cầu, tạo sự lãng phí lớn. “Trong ngắn hạn, khi cung nhân lực vượt quá nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động về cơ cấu ngành nghề, thì việc cử nhân đi làm công nhân là việc bình thường. Cái này do thị trường tự điều chỉnh phải như thế. Đây cũng là khuyết tật vốn có của thị trường thôi. Tuy nhiên, trong hoạch định chiến lược dài hạn, nếu ta không điều tiết khuyết tật nêu trên thì đúng là sự lãng phí lớn”, Thạc sĩ Sơn nhấn mạnh.
NGỌC ĐOAN - PHƯƠNG TRÀ