.
Bất cập giữa đào tạo và tuyển dụng

Giải bài toán "thừa thầy thiếu thợ"

.

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, nguyên nhân của tình trạng đào tạo tràn lan, không theo nhu cầu xã hội gây lãng phí nguồn nhân lực đáng báo động do các trường ĐH, CĐ, TCCN “mọc” ra quá nhiều trong những năm gần đây.

Một nữ ứng viên tốt nghiệp ĐH tìm kiếm việc làm.
Một nữ ứng viên tốt nghiệp ĐH tìm kiếm việc làm.

Cùng với đó, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa thật sự hiệu quả; nhiều phụ huynh, học sinh vẫn nặng về “tư duy bằng cấp”, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.  

Thay đổi tư duy nặng bằng cấp

Thạc sĩ Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng, cho rằng để khắc phục tình trạng trên, cần có những giải pháp vĩ mô. Đào tạo cử nhân hiện vượt quá nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động ở một số ngành nghề mà nhà đào tạo và người học không biết được. Đồng thời, nhu cầu của trường ĐH phải có đủ số lượng tuyển sinh theo ngành nghề của trường mình để tồn tại là vấn đề ưu tiên trước. Nhu cầu của người học theo xu hướng “nước chảy chỗ trũng”, xu hướng “đám đông”, nhu cầu trước mắt mà nộp đơn đi học. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì lại “thăng trầm” theo sự biến động của nền kinh tế thị trường và lại rất nhạy cảm, biến đổi nhanh hơn so với 2 nhu cầu kia. Hai nhu cầu đó phải gặp nhau mới tạo được cân bằng trong sử dụng lao động

Cũng theo ông Sơn, Nhà nước có vai trò quan trọng trong điều phối, định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh; cảnh báo, dự báo sớm về nhu cầu tuyển dụng; phân luồng bậc học, trình độ học; và là chiếc cầu nối 3 nhu cầu nêu trên đi cùng một hướng. Ngoài ra, thành phố cũng nên thành lập cơ quan dự báo nguồn nhân lực; thống kê tốt; đánh giá tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố cần gì, trình độ nào cho trước mắt, cho ngắn hạn, cho dài hạn.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Chiến, Chủ tịch CLB Giảng viên cao cấp của chương trình Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Thừa thầy thiếu thợ là lãng phí quá lớn về mặt hữu hình cho xã hội, đó là các khoản chi phí về đào tạo và lãng phí cả về thời gian mà ai cũng có thể đo đếm được. Tác hại về mặt vô hình, đó là các thạc sĩ, cử nhân… đánh mất niềm tin vào chính mình. Cũng cần nói thêm, tác hại về mặt vô hình tuy không có con số chính thức thống kê, nhưng cao gấp nhiều lần so với lãng phí hữu hình, vì tính “bào mòn” trong tư duy kéo dài trong nhiều chu kỳ của thời gian. Chưa kể sự đảo lộn trên sẽ vô tình làm giảm đi tính giá trị của bằng cấp, xã hội sẽ có cách nhìn nhận theo nhiều xu hướng khác nhau, không có lợi cho sự phát triển tư duy sáng tạo của các bạn trẻ.

Tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm hoặc làm trái nghề là có thật. Thế nhưng, Sở GD-ĐT hiện không quản lý các trường ĐH, CĐ, chỉ tiêu đào tạo của những trường này lẫn chất lượng đầu ra đều do Bộ GD-ĐT quyết định. “Trước thực trạng này, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường THPT tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để giúp các em có cái nhìn toàn diện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp”, Ông Chinh nói.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, để giải quyết vấn đề này, việc định hướng nghề nghiệp cho các em là vô cùng quan trọng. “Nên học những nghề thị trường cần, bám sát vào những ngành nghề mà địa phương nơi mình sinh sống hoặc muốn làm việc cần và sẽ phát triển trong tương lai. Chúng tôi đã mở 2 lớp khởi sự doanh nghiệp cho 65 bạn trẻ và sắp tới mở thêm 2 lớp nữa nhằm giúp các bạn có cơ hội việc làm. Đồng thời, các phiên giao dịch việc làm sẽ được duy trì và phát huy để là cầu nối giúp các bạn tìm được việc làm phù hợp”, ông An nói. Cũng theo ông An, vấn đề lao động việc làm còn phụ thuộc rất nhiều vào phát triển nền kinh tế…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Chiến cho rằng, việc lựa chọn nghề nghiệp thường được nhà trường tư vấn và nhất là bản thân sinh viên định hướng từ rất sớm. Khi đã xác định được lập thân bằng “lao động trí óc” hay “lao động chân tay”, họ cứ thế xây dựng mục tiêu cho cuộc đời của mình và bước vào nhà trường với những chương trình đào tạo căn bản, bằng cấp của anh kỹ sư và bằng cấp của anh công nhân đều được xem trọng như nhau. Không thích làm ông cử thì làm công nhân lành nghề, thợ chuyên nghiệp bậc cao có khi còn nhiều tiền hơn cả các vị kỹ sư, cử nhân ngồi bàn giấy.

“Để giải quyết rốt ráo tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, theo tôi cần phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến xã hội… Giải quyết rốt ráo và cương quyết những vấn đề như: triệt để sắp xếp tái cơ cấu lại các trường theo tiêu chí : 1+3+9 (1 trường ĐH phải có 3 trường CĐ và 9 trung cấp nghề). Tỷ lệ này là con số lý tưởng để giải bài toán thừa thầy thiếu thợ và phù hợp với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, ông Chiến nói thêm.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN-PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.