Công tác đào tạo “vênh” với nhu cầu xã hội, khiến hàng nghìn thạc sĩ, cử nhân ra trường hằng năm rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ công lập lẫn ngoài công lập vẫn mở toang cửa để đào tạo theo khuynh hướng thương mại hóa, nên số tân thạc sĩ, cử nhân ra trường ngày càng nhiều và tiếp tục thất nghiệp…
Nhiều người có bằng đại học, cao đẳng đang làm công nhân tại Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Nhiều cử nhân, thạc sĩ sau khi ra trường phải chấp nhận làm công nhân, lao động phổ thông, đi dạy kèm... để kiếm sống qua ngày.
Bán cà-phê, dạy kèm...
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tin, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cầm tấm bằng loại khá trên tay, N.T.N.T (quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) quyết bám trụ ở Đà Nẵng xin việc với mong muốn có cuộc sống ổn định. Ròng rã cả năm T. mang hồ sơ đi gõ cửa nhiều nơi nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
Để có tiền nuôi giấc mơ đi dạy học hoặc chí ít kiếm chân công nghệ thông tin ở một cơ quan Nhà nước, T. chấp nhận làm phụ việc ở một quán cà-phê trên đường Phan Đình Phùng (quận Hải Châu). “Em cứ nghĩ ở Đà Nẵng có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học thì sẽ dễ xin việc. Ai dè xin việc khó đến thế. Nhiều lần ba mẹ bảo về quê, nhưng nghĩ gia đình cho ăn học ĐH tốn biết bao nhiêu tiền, giờ quay về thì ba mẹ còn đau lòng hơn”, T. rớm nước mắt nói.
Gần 2 năm tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ngành Sinh thái học (ĐH Đà Nẵng), N.H.C (27 tuổi, quê Đắc Lắc) ở lại Đà Nẵng xin việc. C. nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. Và để có tiền nuôi mình, C. phải làm đủ công việc như đi dạy kèm, quản lý quán cà-phê…
Trong khi đó, dù sinh ra, lớn lên ở Đà Nẵng, tốt nghiệp thạc sĩ Toán, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nhưng suốt mấy năm qua, N.T.M.Tr (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) “gõ cửa” nhiều nơi để xin đi dạy mà vẫn không được. Mỗi lần nộp hồ sơ là mỗi lần Tr. ấp ủ hy vọng. Tr. cho biết, hiện cô đi dạy kèm để kiếm sống.
Không chỉ các tân cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp ở các trường ĐH công lập lao đao, khó khăn khi tìm việc làm, mà đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ tư thục, con đường tìm việc cũng khó khăn gấp bội phần, bởi nhà tuyển dụng chê trường tư. Tốt nghiệp ngành CĐ Quản trị văn phòng - Trường ĐH Đ. năm 2009, nhưng đến nay P.T.N.U (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn lao đao không tìm được việc. U. tâm sự: “Em nộp hồ sơ ở nhiều cơ quan tại Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng không được nhận với lý do học trường... tư thục”. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều sinh viên tốt nghiệp ở các trường ĐH D., ĐH Kiến trúc cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Chấp nhận làm công nhân
Chán nản do không có việc làm như chuyên ngành đào tạo, nhiều tân cử nhân, thạc sĩ chấp nhận làm công nhân. Gặp chúng tôi sau khi tan ca, khuôn mặt mệt mỏi trở về khu trọ gần khu công nghiệp Hòa Khánh sau một ngày làm việc tại công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng, chị N.T.T (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) thở dài: “Học nhiều rồi cũng vậy thôi. Mấy đứa cùng làm ở công ty với mình đứa nào cũng có bằng ĐH cả, nhưng rồi cũng làm công nhân thôi”. T. cho biết, chị tốt nghiệp ngành ngữ văn trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với tấm bằng loại khá nhưng xin việc ở quê lẫn ở Đà Nẵng đều không được. “Khi nộp hồ sơ, chỗ nào cũng khen mình có bằng cấp tốt, ĐH chính quy, nhưng cứ hẹn mãi rồi im lặng luôn. Không lẽ cứ ở nhà ăn bám gia đình, nên mình nói bố mẹ ra Đà Nẵng đi dạy trường tư. Chứ thật ra bố mẹ không biết mình đi làm công nhân đâu. Nếu biết thì buồn lắm”, T. thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Quan Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng, trong tổng số 11.000 công nhân đang làm việc tại đơn vị hiện nay, có hàng trăm người có bằng ĐH, CĐ. Song, ông Hoàng khẳng định, với Công ty Foster thì không có sự phân biệt nào giữa người có bằng ĐH, hay không có bằng ĐH khi họ nộp đơn vào làm công nhân. Thu nhập của mỗi người dựa vào năng lực làm việc thực có của mình chứ không dựa vào bằng cấp.
Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị không muốn nhận người có bằng ĐH, CĐ vào làm việc. “Bằng cấp cao khiến họ không chuyên tâm với công việc, hay nhảy việc nếu tìm được chỗ làm tốt hơn. Hơn nữa, bằng cấp cao thì họ rất dễ đòi hỏi mức thù lao xứng đáng trong khi công việc của chúng tôi không cần những kiến thức mà họ có”, một cán bộ nhân sự của một công ty chuyên về may mặc thổ lộ.
Dù không thể có con số thống kê chính xác nhưng số công nhân có bằng cử nhân ở các khu công nghiệp Đà Nẵng khá nhiều. “Chưa xin được việc thì đành chọn giải pháp làm công nhân thôi. Nhiều lúc nghĩ cũng tiếc những năm học ĐH nhưng phải chọn giải pháp này để sinh sống chứ ăn bám bố mẹ mãi đâu có được. Hầu hết tụi mình đều phải giấu công ty việc đã có bằng ĐH”, chị L.T.N (34 tuổi, công nhân công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị chuyên sản xuất giày (quận Sơn Trà), tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Hồ Minh Tùng, kế toán trưởng công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị, đơn vị hiện có khoảng hơn 100 người có bằng ĐH, CĐ làm công nhân. Nhưng ông Tùng nói rằng, đây chưa phải là con số thực bởi có khá nhiều người có bằng cử nhân nhưng giấu bằng. “Với những người có bằng cấp thì làm một thời gian, nếu bộ phận gián tiếp thiếu người, chúng tôi sẽ rút lên bổ sung nhưng con số này không nhiều. Còn lại hầu hết những người khác đều phải làm công nhân, không có chế độ ưu đãi nào riêng cả”, ông Tùng cho biết.
Trong gần 20 phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng (Trung tâm) từ đầu năm đến nay, rất nhiều những người tham gia tìm việc có trình độ ĐH, CĐ. Chẳng hạn tại phiên giao dịch việc làm trong tháng 9 vừa qua ở Trung tâm Hội chợ triển lãm, nhu cầu tuyển dụng chỉ 55 người có trình độ ĐH, 41 người có trình độ CĐ thì kết quả phỏng vấn, sơ tuyển có đến 100 người nộp hồ sơ có trình độ ĐH, 73 người có trình độ CĐ có nhu cầu việc làm và được chọn.
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay rao tuyển chủ yếu là lao động phổ thông với những việc làm thời vụ hoặc cần công nhân lành nghề. Tuy nhiên, số này không nhiều mà hầu hết các bạn đến tham gia phỏng vấn tuyển dụng đều có bằng ĐH, CĐ. Bởi việc tìm công nhân lành nghề hiện nay còn khó hơn tìm một bạn có bằng ĐH, CĐ nên nhiều đơn vị đành chấp nhận nhận những bạn này vào làm những việc khá giản đơn và không cần trình độ”.
NGỌC ĐOAN - PHƯƠNG TRÀ