.

Bộ Giáo dục hé lộ chương trình đào tạo sau năm 2015

.

Chương trình dự kiến với các môn học bắt buộc và tự chọn cho từng lớp sau năm 2015 vừa được Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 công bố sáng nay, ngày 26-10, trong Hội thảo Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội.

Lớp 10 là giáo dục "dự hướng"

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu của chương trình giáo dục mới là giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. 

Chương trình mới kết thúc nội dung kiến thức cơ bản sau trung học cơ sở. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Chương trình mới kết thúc nội dung kiến thức cơ bản sau trung học cơ sở.

Để thực hiện mục tiêu này, giáo dục sẽ phải đổi mới trên nhiều mặt, cấu trúc hệ thống, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, kiểm tra đánh giá.

Cụ thể, giáo dục phổ thông thời gian tới sẽ được cấu trúc thành hai giai đoạn cơ bản. Giai đoạn tiểu học và trung học cơ sở (9 năm) sẽ trang bị cho người học kiến thức kỹ năng tối thiểu, nền tảng, cơ bản nhất để học xong có thể đi học tiếp hoặc đi làm. Giai đoạn này không yêu cầu kiến thức cao, sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách, phẩm chất và kỹ năng cho học sinh.

Giai đoạn hai là bậc trung học phổ thông, có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân và quan trọng là phân hóa để phát huy tiềm năng của mỗi người. 

Thứ trưởng Hiển cho biết, việc chuyển từ giai đoạn kiến thức tổng hợp cơ bản sang chuyên sâu phân hóa cần có một bước đệm để học sinh không bị thay đổi đột ngột. Ban thường trực đề án đổi mới đề xuất giai đoạn này là lớp 10. Cụ thể, theo dự kiến, từ lớp 1 đến lớp 9, các môn học sẽ được tích hợp, sau đó lại tách ra ở lớp 10 và tiếp tục quay trở lại tích hợp trong lớp 11 và 12. Lớp 10 vì thế được coi là giáo dục “dự hướng”, là năm bản lề giữa hai giai đoạn.

Về nội dung chương trình, theo ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, để đạt được yêu cầu chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, coi trọng cả nội dung và phương pháp học, câu hỏi với nhà thiết kế chương trình không phải là môn học này cần dạy những gì mà là để đạt được mục tiêu giáo dục mới trong điều kiện Việt Nam thì môn học này cần lựa chọn dạy những gì cần thiết nhất?

Theo đó, cùng với sự thay đổi cấu trúc hệ thống, nội dung chương trình mới sẽ được thực hiện theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện tại, tăng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng thực tiễn, chú trọng giáo dục khoa học xã hội, nhân văn, kỹ năng sống, pháp luật, thể chất, quốc phòng an ninh và hướng nghiệp. 

Tương ứng với việc đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa cũng thay đổi cách thức biên soạn theo hướng mỗi bài học đưa ra các tình huống giàu tính thực tiễn hoặc các tình huống giả định buộc phải vận dụng các kiến thức kỹ năng để tìm ra cách giải quyết.

Môn học cụ thể cho từng khối lớp

Với tinh thần trên, Ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đã đưa ra dự kiến các môn học cho từng lớp. Mỗi lớp học sẽ có các môn, các hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, lớp 1 và lớp 2 học 3 môn và bốn hoạt động giáo dục bắt buộc. Ba môn bắt buộc gồm là tiếng Việt, toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tích hợp môn đạo đức), các hoạt động giáo dục gồm thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tập thể. Các lớp này có môn tự chọn là tự học có hướng dẫn, đọc văn, nghệ thuật.

Lớp 3 có 5 môn bắt buộc, ngoài tiếng Việt, toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội như lớp 2 sẽ thêm hai môn ngoại ngữ và đạo đức. Các hoạt động giáo dục bắt buộc vẫn gồm thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tập thể. Phần tự chọn như lớp 2 nhưng có bổ sung nội dung làm quen với máy tính.

Lớp 4 và lớp 5 vẫn giữ các môn như lớp 3, tuy nhiên môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội sẽ được tách ra làm hai môn riêng là tìm hiểu tự nhiên (gồm các chủ đề về vật lý, hoá học, sinh học, khoa học trái đất), tìm hiểu xã hội (gồm các chủ đề về lịch sử, địa lý, giáo dục sức khỏe, kinh tế gia đình). Số môn học bắt buộc ở các khối lớp này vì thế sẽ tăng một môn so với lớp 3, lên 6 môn.

Bậc trung học cơ sở có 7 môn và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc. Các môn học bắt buộc giống như lớp 5, gồm văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, sinh học, khoa học trái đât,s chủ đề liên môn), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, chủ đề liên môn), giáo dục công dân, công nghệ. Các hoạt động giáo dục bắt buộc là thể dục,nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật), hướng nghiệp, tâp thể.

Các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn gồm môn ngoại ngữ thứ hai, một số chủ đề văn học, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nghệ thuật, thể dục, thể thao…

Lớp 10 trong chương trình giáo dục mới sẽ là một lớp đặc biệt, lớp “bản lề” và sẽ học bắt buộc 11 môn và bốn hoạt động giáo dục. Các môn học cơ bản như hiện nay, gồm ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ, vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ. Các hoạt động giáo dục gồm thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng an ninh, tập thể. Các môn tự chọn có hai chuyên đề tự chọn chuyên sâu thuộc các môn học.

Lớp 11 và 12 sẽ rút lại chỉ còn 3 môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ và các hoạt động giáo dục như lớp 10. Các môn học tự chọn sẽ tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn vậy lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục công dân, công nghệ, xã hội học. Học sinh tự chọn tùy ý một số chuyên đề mở rộng hoặc chuyên sâu thuộc một trong các nội dung học.

Với dự kiến chương trình như trên, Ban soạn thảo Đề án đổi mới căn bản toàn diện chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục tham dự hội thảo để có thể hoàn thiện hơn nữa. Hội thảo diễn ra trong hai ngày, 26 và 27/10. Sau khi nghe ban soạn thảo Đề án công bố nội dung sáng nay, chiều nay và sáng mai, các đại biểu sẽ thảo luận theo từng nhóm để có thể có ý kiến đóng góp chính thức vào trưa mai, 27-10.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.