.

Nỗi lo học sinh đi xe đạp điện, xe điện

.

Hiện nay, nhiều phụ huynh sắm xe đạp điện, xe điện (XĐĐ, XĐ) cho con em tự đến trường. Điều này gây nên nỗi lo cho xã hội về tai nạn giao thông và ý thức an toàn giao thông trong học sinh.

Đi XĐ nhưng không đội MBH là tình trạng khá phổ biến trong học sinh hiện nay.
Đi XĐ nhưng không đội MBH là tình trạng khá phổ biến trong học sinh hiện nay.

Chỉ chừng vài chục phút đứng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vào một buổi trưa đầu tháng 10, chúng tôi đã chứng kiến hơn chục học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đầu tiên là nhóm học sinh đi trên 2 chiếc XĐ chở 3, không đội mũ bảo hiểm (MBH). Đã vậy cả hai xe đang chạy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bất ngờ không giảm tốc độ, rẽ nhanh sang đường Lê Thánh Tôn mà không xi-nhan, rồi quẹo tiếp vào một con hẻm nhỏ trên đường này. Kế tiếp, một nữ sinh đang điều khiển chiếc XĐĐ chạy với tốc độ khá nhanh bỗng dừng lại giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai để người bạn gái ngồi phía sau xuống xe chạy tắt qua đường Quang Trung, làm những người đang đi phía sau giật mình loạng quạng suýt gây tai nạn. Thấy vậy, bác lái xe ôm tại ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Thánh Tôn than phiền: Tụi nhỏ bây giờ đi xe khiếp lắm, thích rẽ là rẽ, chẳng thèm quan sát, vậy mà khi va quẹt với người khác lại sẵn sàng to tiếng. Chị Lê Thị Bình, thợ chụp ảnh dạo trên cầu Sông Hàn cho hay, cứ tầm trưa cuối tuần, thỉnh thoảng xuất hiện nhóm 3-4 em học sinh đi XĐ chạy đua qua cầu, rất nguy hiểm, nhưng các em lại cho đó là thú vui, hấp dẫn.

Theo quan sát của chúng tôi, thường khi đi riêng lẻ các em học sinh điều khiển xe với tốc độ khá chậm, nhưng khi đi thành nhóm, nhất là lúc tan học, các em đi dàn hàng ngang với tốc độ tương đương xe máy. Khi vào các nút giao thông, các em cũng ít quan sát mà giữ nguyên tốc độ để đi, rất dễ gây tai nạn giao thông.

Những năm gần đây, XĐĐ, XĐ trở thành phương tiện giao thông được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình. Tuy nhiên, cả XĐĐ lẫn XĐ đều nằm ngoài danh mục quản lý của các cơ quan chức năng; vì vậy, việc kiểm tra, xử lý học sinh đi XĐĐ, XĐ của lực lượng CSGT có phần “nhẹ tay” hơn. Trong tổng số 38.868 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử phạt của 6 tháng đầu năm 2013, số XĐĐ, XĐ bị lập biên bản chỉ có 290 trường hợp. Đây là kẽ hở khiến không ít học sinh tỏ ra “nhờn” cơ quan chức năng và vô tư vi phạm trật tự an toàn giao thông. Với trọng lượng xe dao động từ 30-50kg và vận tốc cao nhất có thể đạt đến trên 40km/giờ, lúc xảy ra tai nạn giao thông, hậu quả do XĐĐ, XĐ gây ra khá nặng, không kém gì xe gắn máy hay mô-tô.

Trao đổi với lãnh đạo một số trường THPT về tình trạng học sinh đi XĐ, XĐĐ đến trường, chúng tôi được biết, nhiều trường tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các em ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nhưng, đó là trong nội bộ khuôn viên nhà trường, còn khi các em ra đường, các trường không quản lý nổi. Về phía phụ huynh, sau khi sắm XĐ, XĐĐ cho con lại “khoán trắng” việc đi lại cho các em. Những “lỗ hổng” này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khá phổ biến như hiện nay.

Việc tuyên truyền, quản lý học sinh đi XĐĐ, XĐ theo đúng pháp luật về an toàn giao thông cần được chú trọng hơn nữa tại các trường học cũng như từ phía phụ huynh. Có như vậy vừa giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh vừa tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho xã hội.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.