Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn) là trường dân lập, chủ yếu dạy trẻ em Làng trẻ em SOS. Song, những năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 của trường luôn trong top 10 trường THPT trên địa bàn thành phố có tỷ lệ đỗ cao nhất.
Khi được hỏi về dự định nghề nghiệp sau này, hầu hết các học sinh lớp 10, 11 và 12 đều không ngại ngần nói về những ngành mình yêu thích để thi ĐH trong thời gian đến.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner, khen thưởng học sinh giỏi của trường. |
Giúp học sinh xác định động cơ học tập
Em Tô Văn Nhân, học sinh lớp 12/1 kể, quê em ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), do hoàn cảnh gia đình nên từ năm học lớp 10, em về sống ở Làng trẻ em SOS. Trong những năm học ở Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner, Nhân luôn được thầy cô giáo tận tình dạy dỗ, giúp đỡ khi gặp khó khăn bài vở, cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và định hướng cho em thi ĐH, chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân. “Trong kỳ thi ĐH sắp đến, em thi vào Trường ĐH An ninh và Trường ĐH Y tế cộng đồng. Em nghĩ chỉ có con đường học vấn thì sau này mới giúp em có công ăn việc làm ổn định để tự lo cho bản thân, cũng như giúp đỡ những người chung quanh”, Nhân tâm sự.
Hoàn cảnh em Đặng Thị Thanh Hiền, học sinh lớp 12/1, quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cũng rất đáng thương. Năm 6 tuổi, bố mẹ Hiền qua đời và cũng bắt đầu từ đó Hiền về Làng trẻ em SOS sống cho đến nay. Hiền cho biết, các cán bộ của Làng trẻ em SOS luôn lo lắng, quan tâm tạo mọi điều kiện cho em. Thầy cô giáo ở Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner luôn tận tụy dạy dỗ em. Nhiều hôm ngoài giờ học, nhưng gặp bài tập khó, em vẫn được thầy cô giáo tận tình chỉ bảo. “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng công ơn của các thầy cô, sắp đến em thi vào ngành y và thi khối A vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)”, Hiền tâm sự.
Theo Ban Giám hiệu Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner, so với các học sinh khác, học sinh ở Làng trẻ em SOS khi đến trường đều mặc cảm về hoàn cảnh nên nhiều em rụt rè, nhút nhát. Để giúp các em tự tin, nỗ lực vươn lên trong học tập, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn luôn theo sát, gần gũi, hỗ trợ các em trong học tập, giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống… Và quan trọng hơn, các thầy cô giáo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tư vấn, giúp các em có thái độ, động cơ học tập tốt với mục tiêu “Học để giúp mình, học để giúp đời”. Với những học sinh có chí hướng thi ĐH, nhà trường tư vấn kỹ chuyện chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực, bản thân các em.
Những kết quả ấn tượng
Xác định rõ động cơ, mục tiêu học tập, học sinh nhà trường đã nỗ lực vươn lên giành nhiều thành tích. Năm học 2012-2013, trường có số lượng học sinh đoạt giải khá cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, với 100 giải thưởng học sinh giỏi, năng khiếu ở các bậc học, trong đó có 3 giải nhất cấp thành phố.
5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ ĐH vào các trường công lập của nhà trường có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng lẫn số lượng. Trường luôn nằm trong top 10 trường có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 cao nhất thành phố, trong khi số lượng học sinh lớp 12 của nhà trường chỉ gần 150 em (cả học sinh ở Làng trẻ em SOS và học sinh ở Đà Nẵng). Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, trường có 18 học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 và 22 học sinh đỗ CĐ, trong đó có nhiều học sinh ở Làng trẻ em SOS như: Lê Huỳnh Bảo, Võ Ngọc Báu, Võ Ngọc Bảo, Lê Hữu Năm, Nguyễn Đình Vũ…
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner, để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đẩy mạnh việc tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học các chủ đề tích hợp, tăng cường các hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức áp dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cùng với đó, nhà trường luôn đề cao vai trò, nhiệm vụ tư vấn tuyển sinh giúp học sinh chọn ngành, chọn trường phù hợp với bản thân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN