Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ còn hai môn. Kỳ thi đại học như hiện nay sẽ được xóa bỏ, các trường đại học có thể tùy chọn tổ chức thi hoặc xét tuyển… Đó là những điểm quan trọng trong dự kiến đổi mới thi và kiểm tra đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau năm 2015.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá, thi cử này được coi là giải pháp đột phá trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.
Giám thị kiểm tra giấy tờ, đối chiếu hồ sơ của thí sinh trước giờ thi tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Chương trình giáo dục sau năm 2015 sẽ có sự thay đổi căn bản theo hướng chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ nặng kiến thức hàn lâm khoa bảng hiện nay sang hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng người học.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, cho biết khi chuyển sang dạy học theo chương trình mới kéo theo việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực khách quan theo năng lực người học.
Việc đổi mới được nhấn mạnh vào hai kỳ thi đang gây bức xúc nhất trong dư luận là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo đó, sau năm 2015, công nhận tốt nghiệp tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng giảm số môn thi tốt nghiệp và trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học.
Cụ thể, với bậc phổ thông, học xong môn nào thì đánh giá luôn kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội-nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi hai môn toán và ngữ văn.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tự tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, có thể kiếm tra thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Theo ông Hiển, lần này sẽ tiến hành đổi mới đồng bộ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định hàng loạt khó khăn phía trước khi thực hiện như khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp, thói quen và tâm lý học ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề… Do đó, cần phải có quyết tâm và các giải pháp phù hợp của các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục và của giáo viên thì việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá theo định hướng trên mới có hiệu quả.
Vietnam+