.

Một đời tận tụy với trò

.

Thầy Trương Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn), không chỉ là cán bộ quản lý giỏi được đồng nghiệp luôn nể trọng, yêu quý, mà thầy còn như người cha, người anh của các em học sinh nghèo.

Thầy Trương Công Sơn kiểm tra tình hình học tập của một lớp học thể dục tại trường.
Thầy Trương Công Sơn kiểm tra tình hình học tập của một lớp học thể dục tại trường.

Nhìn vẻ bề ngoài thầy Sơn rất nghiêm nghị, nhưng bên trong là một tâm hồn nhân hậu, luôn quan tâm, lo lắng đến sự nghiệp giáo dục của nhà trường, cũng như chăm lo cho học sinh.  

Chia ngọt sẻ bùi với học sinh

Sau nhiều năm công tác ở miền núi, năm 1992, thầy Sơn được chuyển từ một ngôi trường ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) về Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) công tác. Ngay năm đầu tiên về trường mới, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 7/3.

Thầy Sơn nhớ lại, hầu hết học sinh ở lớp thầy chủ nhiệm hồi ấy đều ngoan hiền, nhưng có nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nguy cơ các em bỏ học nửa chừng khá nhiều. Để giúp đỡ các em, ngay trong những ngày đầu làm công tác chủ nhiệm, thầy đã cất công đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em. Sau đó, thầy bỏ tiền túi cũng như đứng ra vận động phụ huynh có điều kiện ủng hộ kinh phí mua sách vở, áo quần tặng các em. Nhờ vậy, những học trò nghèo trong lớp 7/3 không chịu cảnh bỏ học nửa chừng.

Hiểu cái tâm của thầy Sơn đối với học trò, kết thúc năm học đó, phụ huynh lớp 7/3 làm đơn đề nghị Ban giám hiệu Trường THCS Lê Lợi cho thầy tiếp tục chủ nhiệm con em họ khi lên lớp 8/3. Đề nghị này được nhà trường đồng ý. Và kết thúc năm học này, nhiều học sinh lớp 8/3 tiến bộ rõ rệt về học lực, các hoạt động của lớp xếp thứ nhất toàn trường.

Từ năm 1994, thầy Sơn được bổ nhiệm làm hiệu phó, phụ trách công tác chuyên môn. Dù bận rộn nhưng lúc nào thầy Sơn cũng rất quan tâm đến học sinh. Năm học 2005-2006, qua theo dõi việc bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9, thầy đã kịp thời “cứu” một học sinh. Thầy Sơn kể, hồi ấy em Lê Văn Hoàng tham gia đội tuyển học sinh giỏi Toán lớp 9 cấp thành phố và dự định thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nhưng qua tìm hiểu, biết năng lực môn Toán của Hoàng khó có thể “địch” nổi với học sinh nhiều trường khác, rất khó giành giải để được cộng điểm khuyến khích vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trường hợp Hoàng không trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì em khó theo học ở các trường khác, bởi gia đình em rất khó khăn, bố đi xe xích lô, mẹ đau ốm ở nhà.

Thầy Sơn gặp riêng em Hoàng và gia đình để tư vấn em chuyển qua đội tuyển học sinh giỏi môn Địa. Và một kết thúc có hậu, năm học ấy, Hoàng đoạt giải nhất học sinh giỏi môn Địa cấp thành phố, trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hiện nay Hoàng đang du học ở nước ngoài. “Khi hay tin Hoàng làm nên kỳ tích, tôi vui mừng, hạnh phúc lắm. Hai vợ chồng tôi liền đến nhà động viên và tặng quà chúc mừng em”, thầy Sơn xúc động nhớ lại.

Tận tâm với công việc

Trong những năm làm công tác quản lý, thầy Sơn đặc biệt chú trọng chất lượng giáo dục nhà trường, nhất là việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ chỗ là ngôi trường vùng ven, chất lượng dạy học khiêm tốn, với sự quan tâm của thầy Sơn, sự nỗ lực của giáo viên và học sinh, các đội tuyển học sinh giỏi nhà trường đã lập nên nhiều thành tích. Năm học 1994-1995, trường chỉ có 3 giải thưởng “lẹt đẹt” cấp thành phố, nhưng đến năm học 2004-2005, học sinh nhà trường giành 45 giải thưởng học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố và nằm trong top 10 trường có thành tích cao nhất. Trong những năm học gần đây, đội tuyển học sinh giỏi nhà trường luôn trong top 5 trường có thành tích cao nhất.

Năm 2006, thầy Sơn được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Việc đầu tiên mà thầy bắt tay vào làm ngay là “xin” các cấp chính quyền thành phố kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng trong giai đoạn mới. Ròng rã đi gõ cửa nhiều nơi, trong giai đoạn từ năm 2006-2011, nhà trường được từng bước đầu tư các hạng mục xây dựng để đến hôm nay có diện mạo khá khang trang, hiện đại, với đầy đủ phòng học bộ môn, thư viện, sân bóng…

Sân trường thiếu cây xanh che bóng mát, thầy đến các cơ quan, đơn vị quen biết xin các loại cây xanh. Mỗi lần xin được cây, để tiết kiệm chi phí cho nhà trường, thầy vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên chung tay đào hố trong sân trường trồng, rồi chăm bón kỹ lưỡng. Nhờ vậy, cảnh quan ngôi Trường THCS Lê Lợi hiện xanh tươi, rợp bóng mát.

Suốt 29 năm làm nghề dạy học, thầy Sơn được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng, trong đó có hai lần được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen. Cả cuộc đời làm nghề giáo, thầy Sơn đúc kết: “Muốn nhà trường thật sự phát triển vững mạnh, chất lượng dạy học chuyển biến tích cực, học sinh chăm ngoan học giỏi..., người thầy giáo phải có cái tâm sáng và lòng yêu nghề. Có vậy người thầy mới vượt qua được những khó khăn, thách thức để làm tròn sứ mệnh “trồng người” của mình”.  

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn, nhận xét thầy Trương Công Sơn là nhà giáo mẫu mực và là người có tinh thần, trách nhiệm cao, luôn hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao. Nhờ công sức dìu dắt của thầy, chất lượng dạy và học ở Trường THCS Lê Lợi ngày càng nâng cao, phát triển vững chắc. Trong những năm qua, Trường THCS Lê Lợi là trường tiên tiến xuất sắc, luôn là điểm sáng của ngành GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.