Phòng học không có bục giảng, phấn trắng, bảng đen. Cô và trò “học” với nhau bằng những câu chuyện kể, những trò chơi thú vị và hấp dẫn. Đó là những giờ học đặc biệt tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) - nơi có gần 1/2 số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 12 em khuyết tật...
Giờ học đặc biệt của cô, trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Những giáo viên đứng lớp tại những giờ học này là giáo viên của nhà trường, tham gia theo tinh thần tự nguyện nhằm giúp đỡ học sinh khuyết tật.
Chơi mà học
“Hôm nay các em thích chơi gì?”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (35 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu hỏi cả lớp. Gọi là “cả lớp” chứ thật ra chỉ có 5 học sinh cùng một dạng tật là chậm phát triển trí tuệ, được tập hợp từ nhiều khối lớp trong trường. “Con thích cô kể chuyện ạ”, P.H.L (14 tuổi, lớp 3/2) hồn nhiên nói. Mấy cái đầu cùng đua nhau gật lia lịa.
Cô Hằng bắt đầu chậm rãi kể chuyện chuột con nghịch ngợm. Đang nghe thì Đ.V.N (12 tuổi, học lớp 3/2) ngồi gần cù vào người L., cô bạn cười nắc nẻ khiến cả lớp trở nên ồn ào. Cô Hằng phải gõ nhẹ thước xuống bàn thì các em mới tập trung trở lại.
Sau khi kể xong, cô Hằng hỏi lại: “Đố các em biết câu chuyện có mấy nhân vật?”, “Chuột con đã nghịch ngợm khi bố ngủ như thế nào?”, “Chuột con như vậy có ngoan không?”… Cả lớp lại sôi nổi với những cánh tay đưa lên, lúc đầu còn rụt rè, sau thì mạnh dạn hơn. Những tiếng phát âm chưa tròn, những nụ cười ngây ngô nhưng niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt trẻ thơ.
“Chỉ là những câu chuyện bình thường hoặc những trò chơi đơn giản, nhưng mình đều lồng ghép trong đó những bài học giáo dục về đạo đức như: tình yêu thương, lòng hiếu thảo, tính thật thà… Quan trọng nhất là luyện cho các em về trí nhớ”, cô Hằng cho biết.
Theo cô Hằng, có khi nhiều phép tính đơn giản dạy mãi mà không “vô” đầu được tụi nhỏ. Đến giờ học “đặc biệt” này, cô lồng ghép các phép tính vào những trò chơi, vậy là các em nhớ ngay. Với những học sinh bình thường, việc ghi nhớ một câu chuyện, một con toán không phải là việc khó, nhưng đối với những em khuyết tật về trí tuệ thì điều này vô cùng khó khăn mà chỉ những thầy cô từng dạy các em mới có thể hiểu được. “Những giờ học “đặc biệt” như thế này luôn được duy trì, chỉ với mục đích giúp các em được vui chơi và vẫn có thể rèn luyện các kỹ năng khác là điều cần thiết đối với trẻ khuyết tật, để các em sớm hòa nhập với các bạn”, cô Phạm Thị Thu Lan - Hiệu trưởng nhà trường thổ lộ.
Cô giáo như mẹ hiền
Một số em khi mới vào trường do bị chậm phát triển trí tuệ nên việc học gặp nhiều khó khăn. Như em Nhân, Khánh phải học lại đến 3 năm lớp 1 vì học mãi mà không nhớ. Không nản lòng, các thầy cô vẫn tận tình rèn luyện cho các em từng nét chữ, con tính. Đến giờ, em Nhân đã học lớp 5 và học lực khá. Em Khánh chữ viết rất đẹp, lên lớp đều, giờ đã học lớp 3.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng kể chuyện cho các em khuyết tật nghe trong giờ học đặc biệt. |
Với mỗi em khuyết tật, nhà trường đều có hồ sơ riêng để theo dõi tiến triển của học sinh theo từng tuần, từng tháng. Sau mỗi chữ “có tiến bộ” là bao mồ hôi, nước mắt của các thầy, cô giáo, sự nỗ lực vượt bậc của các em, là nụ cười hạnh phúc của những người làm cha, làm mẹ. “Mỗi em dù khuyết tật cũng đều có một khả năng riêng. Chúng tôi luôn cố gắng tìm và khuyến khích các em phát triển những khả năng đó”, cô Hằng cho biết.
Theo cô Hằng, khó khăn nhất vẫn là dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ. Với những em này, phương pháp phải linh hoạt, vừa dạy vừa dỗ. Có trường hợp nhiều trẻ còn tự cào cấu chính mình, thậm chí cấu cả bạn. Hoặc có em đang giữa giờ học cứ hát không ngừng hoặc nhảy lên bàn... múa. “Nếu con ngoan, cô sẽ chơi với con”, “Nếu con ngoan con sẽ có phần thưởng”... Những lời hứa, lời khích lệ ấy của các thầy cô lại rất hiệu quả. “Phần thưởng” chỉ là những cuốn truyện tranh hay cây bút, đồ chơi... do các thầy cô mua trích từ... tiền túi. 12 em khuyết tật trong trường là 12 hoàn cảnh khó khăn. Có em chỉ còn mẹ, có em cha bị bệnh, mẹ không có việc làm ổn định... Hằng năm, mỗi học sinh khuyết tật đều được tặng một bộ quần áo và sách vở để đến trường từ sự đóng góp của các thầy cô và trích Quỹ Hội phụ huynh.
Cứ thế, những ước mơ của trẻ khuyết tật đang được nối dài bởi tình yêu thương của các thầy cô và sự chia sẻ của cộng đồng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ