.

Trường nghề khó tuyển

.

Hiện nay, các trường CĐ, trung cấp nghề trên địa bàn Đà Nẵng đang gặp khó trong công tác tuyển sinh. Những trường mọi năm được xem là khả quan trong việc tuyển sinh thì năm nay cũng… kêu khó!

Một giờ thực hành nghề điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Một giờ thực hành nghề điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

“Đỏ mắt” chờ người học

Cứ đến mùa tuyển sinh, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ (ở quận Thanh Khê) lại chạy đôn chạy đáo lo việc tuyên truyền rồi phát tờ rơi. Năm nào cũng vậy, chỉ mới tháng ba, tháng tư, nhà trường đã chuẩn bị tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh, rồi ban giúp việc cho hội đồng này của nhà trường được thành lập, phân lực lượng đi tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đặt hồ sơ hợp đồng với họ và “hoa hồng” hẳn hoi. Nhà trường còn phát 1.200 tờ rơi về dạy nghề để giới thiệu về đơn vị với người học. Năm nay, ngoài những ngành truyền thống như: xây dựng cầu đường, công nghệ ô-tô, vận hành máy và kinh tế, trường mở rộng thêm hai ngành là: tin học văn phòng và vận hành xe nâng hàng. Dù chỉ tiêu giảm: 400 dài hạn (trung cấp) và 200 ngắn hạn (từ 3 tháng trở xuống) (năm ngoái chỉ tiêu là 400 dài hạn và 600 ngắn hạn) nhưng kết quả trường hiện chỉ nhận được 40 hồ sơ dài hạn và 200 ngắn hạn.

Thầy Hoàng Thanh Xuân, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, thở dài: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh thì trường lại lo lắng. Vì hầu hết các địa phương đều có trường trung cấp nghề, thu hút các em có nhu cầu học tại địa phương nên các trường nghề Trung ương đóng trên địa bàn như chúng tôi không thể cạnh tranh lại”.

Được xem là một trong những đơn vị có con số tuyển sinh khả quan hằng năm, nhưng năm nay Trường CĐ Giao thông vận tải II (trường công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải) ở quận Liên Chiểu cũng phải kêu khó. Từ nhiều tháng nay, nhà trường đã cho xe đi khắp các tỉnh như: Quảng Bình, Huế, Gia Lai, Kon Tum… để tuyên truyền, đồng thời phát hơn 10.000 tờ rơi. Năm nay, nhà trường vẫn tuyển sinh các ngành nghề truyền thống như: xây dựng cầu đường, cơ khí sửa chữa ô-tô - máy xây dựng, xây dựng dân dụng và công nghiệp… Thế nhưng, việc tuyển sinh vô cùng gian nan. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, nếu năm ngoái chỉ tiêu 1.000 học viên, con số tuyển được là 900 em thì năm nay chỉ tiêu 1.200 học viên hệ CĐ chính quy nhưng số hồ sơ nhận được hiện vẫn chưa quá một nửa.

Nỗi niềm…

Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 60 cơ sở dạy nghề, trong đó có 6 trường CĐ nghề, 6 trường trung cấp nghề, 17 trung tâm dạy nghề và 31 cơ sở khác có dạy nghề.

Theo lãnh đạo nhiều trường nghề, khó khăn lớn đối với các trường trung cấp, CĐ nghề hiện nay là bị các loại hình trường đào tạo khác cạnh tranh gay gắt. Việc Bộ GD-ĐT cho phép nhiều trường ĐH, CĐ mở hệ đào tạo trung cấp nên người học nếu phải chọn trung cấp thì ít khi chọn học “nghề”. Hiện nay, việc phân luồng học sinh vào trường nghề cũng gặp khó vì hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều có xu hướng học lên THPT, bổ túc THPT.

Điều đáng nói nữa là do điểm chuẩn ĐH, CĐ năm nay thấp, trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường lại ngày càng tăng, các trường ĐH, CĐ đã “vét” gần hết lượng học sinh nên số em đăng ký học nghề ngày càng thưa thớt. “Năm nay chủ trương đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, rồi lại có những quy định quá khắt khe khiến các em không mặn mà. Thêm nữa, năm nay điểm sàn ĐH và CĐ quá gần nhau (ĐH: 13, CĐ là 10) nên việc tuyển sinh của các trường CĐ nghề cũng gặp khó”, thầy L.V.H, lãnh đạo một trường nghề trên địa bàn quận Liên Chiểu than thở.

Theo nhiều trường nghề, với hệ CĐ nghề mà quy định phải đạt từ 10 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên) thì rất khó có học sinh. Một nguyên nhân của việc người lao động ngại theo học CĐ, trung cấp nghề là thời gian đào tạo hệ này dài, thường mất từ 18-36 tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc khó tuyển sinh của các trường nghề là công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Điều đó dẫn đến các em chọn học theo sở thích, mà hầu hết đều thích học làm “thầy” hơn làm “thợ”. “Học sinh học nghề hiện nay sau ra trường hầu như đều có việc làm ngay, hoặc có thể học liên thông lên bậc CĐ, ĐH. Ngoài ra, trong quá trình học nghề, học sinh đã tốt nghiệp THCS còn được học thêm văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT giống như học sinh THPT. Vậy mà các em vẫn không mặn mà. Điều quan trọng nhất vẫn là tâm lý thích làm “thầy” mà không thích làm “thợ” của các em”, thầy Xuân nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
 

;
.
.
.
.
.