.

Nhiều khó khăn trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

Ngày 11-12, tại ĐH Đà Nẵng diễn ra Hội nghị giao ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đến dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cùng hàng trăm đại biểu các trường ĐH, CĐ, lãnh đạo các Sở GD-ĐT trên cả nước.

Theo Ban quản lý đề án, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là đề án lớn, liên quan nhiều địa phương, bộ, ngành, trong đó có gần 80.000 giáo viên và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên thụ hưởng. Qua khảo sát trình độ năng lực ngoại ngữ của 10.161 giáo viên tiếng Anh các cấp trên 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 97% giáo viên tiểu học, 93% giáo viên THCS và 98% giáo viên THPT chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh.

Sau 3 năm triển khai đề án (2011-2013), theo báo cáo của 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 30-9 vừa qua, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao. Cụ thể, gần 75% giáo viên tiếng Anh tiểu học và gần 90% giáo viên tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ.

Nhiều đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, việc bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập. PGS, TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận về việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, do ban đầu tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn còn quá thấp nên công tác bồi dưỡng gặp không ít khó khăn. Qua khảo sát, rất nhiều giáo viên công tác lâu năm nhưng chưa hề được bồi dưỡng, nay rà soát đột xuất, chính giáo viên đó chưa được chuẩn bị tâm thế nên hết sức khó khăn.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các Sở GD-ĐT Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng… cũng đưa ra những nhận định thêm rằng, việc bồi dưỡng cho giảng viên, giáo viên tiếng Anh ở nước ngoài do các địa phương tổ chức lúng túng; nhiều địa phương thiếu thông tin, thiếu năng lực hợp tác quốc tế, dẫn đến phụ thuộc vào nhiều công ty, tổ chức giáo dục ngoài công lập nên không bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, tập huấn. Công tác triển khai tập huấn, bồi dưỡng còn dồn ép, chưa phù hợp về thời lượng, thời gian bồi dưỡng khiến giáo viên, các nhà trường rất bị động. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai trong hoàn cảnh khẩn trương đã xảy ra tình trạng vừa viết sách giáo khoa, triển khai thí điểm, vừa thẩm định, vừa tuyển dụng, vừa rà soát, bồi dưỡng..., ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc triển khai đề án trên thực chất cũng như những công việc khác của ngành giáo dục, phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện của các đơn vị trường học, của mỗi giáo viên. Rất nhiều người dân, cán bộ có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng lại không sử dụng được ngoại ngữ. Thời gian không phải là mục tiêu, mà quan trọng là đích đến.

Về vấn đề sách giáo khoa dạy học ngoại ngữ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề xuất với Ban quản lý đề án nên lấy tài liệu tham khảo của một quốc gia không phải bản địa tiếng Anh, nhưng giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả, để thống nhất tài liệu, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”.

PHƯƠNG CHI
 

;
.
.
.
.
.