.
DỰ ÁN XÂY DỰNG, CẢI TẠO NHÀ VỆ SINH TRƯỜNG HỌC

Tiền to, công trình nhỏ

.

Tháng 7-2013, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa 62 công trình nhà vệ sinh ở các trường học, giao Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 45,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thời gian thi công trong năm 2013. Trong đó, giai đoạn 1 thi công 10 công trình và giai đoạn 2 là 52 công trình, với tổng kinh phí xây dựng hơn 35 tỷ đồng. Trong quá trình Sở GD-ĐT triển khai xây dựng những công trình vệ sinh này đã bộc lộ nhiều vấn đề khiến lãnh đạo nhà trường, lẫn dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Bài 1: Thi công ì ạch

Theo quy định, các công trình xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trường học phải hoàn tất trong năm 2013. Thế nhưng, đến đầu năm 2014, vẫn còn nhiều công trình thi công ì ạch, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường, khiến lãnh đạo nhà trường bức xúc. Trong khi đó, đại diện đơn vị thi công thì đổ lỗi do thiếu vốn, do bão lũ...

Công trình thi công nhà vệ sinh Trường THCS P.B.C ì ạch, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường (ảnh chụp ngày 31-12-2013).
Công trình thi công nhà vệ sinh Trường THCS P.B.C ì ạch, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường (ảnh chụp ngày 31-12-2013).

Nhiều công trình chậm tiến độ

Ngày 31-12-2013, công trình xây dựng nhà vệ sinh Trường THCS P.B.C (quận Sơn Trà) mới chỉ xong phần thô, quét vôi lót. Bên trong nhà vệ sinh trống rỗng, chưa có điện, nước, hố tiểu, xí bệt. Công trình này có quy mô nhà cấp 4, do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại KDT (gọi tắt Công ty KDT) thi công.

Ông Trịnh Quang Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, thở dài: “Đầu tháng 9 họ khởi công xây dựng và hứa sau một tháng sẽ bàn giao cho nhà trường, thế nhưng đến nay vẫn chưa xong. Tôi hỏi nhiều lần, đơn vị thi công nêu lý do chưa có kinh phí, nên không biết khi nào làm xong. Thi công kéo dài kiểu này ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường”. Dứt lời, ông Lộc đưa chúng tôi đến góc sân trường chỉ cho xem đống giá hạ to đùng mà đơn vị thi công đổ ở góc nhà xe, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc đi lại của thầy và trò nhà trường. Cũng theo ông Lộc, lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công xúc dọn, nhưng họ không làm. “Đây là công trình xây dựng theo phương thức “chìa khóa trao tay”, nhà trường chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận sử dụng, nên trường không có quyền thúc giục đơn vị thi công”, ông Lộc nói thêm.

Công trình xây dựng nhà vệ sinh Trường tiểu học T.V.D (quận Sơn Trà) cũng bị “ngâm” tương tự. Công trình cũng do Công ty KDT thi công, với quy mô 2 tầng, được khởi công trong tháng 8-2013 và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng thi công. Nhưng tính đến ngày 2-1-2014, công trình này mới chỉ xong phần thô. Ông Nguyễn Văn Thức, Hiệu trưởng nhà trường, than thở việc thi công công trình lâu quá đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường. Xe chở vật liệu ra vào hư nát sân, còn vật liệu đổ thành đống không những làm mất mỹ quan mà còn gây cản trở việc đi lại của học sinh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thức, dù xót ruột, bức xúc, nhưng lãnh đạo nhà trường chỉ biết phản ánh với Sở GD-ĐT, chứ không thể hối thúc đơn vị thi công được. Bởi đại diện đơn vị thi công, theo dõi công trình lúc thì người này, lúc thì thay người khác. “Nếu quận, hoặc trường đứng ra làm thì công trình đã xong lâu rồi, chứ không có chuyện ì ạch như vậy”, ông Thức khẳng định.

Chậm tiến độ do thiếu vốn?

Tình trạng chậm tiến độ thi công công trình nhà vệ sinh cũng xảy ra ở Trường tiểu học P.P.T (quận Liên Chiểu). Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay theo kế hoạch khu nhà vệ sinh 3 tầng của nhà trường sẽ hoàn thành vào tháng 10-2013. Nhưng việc thi công quá chậm chạp nên đến ngày 2-1-2014, đơn vị thi công vẫn còn đang lắp đặt các thiết bị vệ sinh… và thời gian nghiệm thu, bàn giao công trình vào khi  nào thì lãnh đạo nhà trường cũng không nắm cụ thể.

Tại Trường THPT H.H.T, công trình nhà vệ sinh 2 tầng trị giá hơn 1 tỷ đồng do Công ty KDT thi công cũng bị chậm tiến độ. Ngày 3-1-2014, đơn vị thi công đang trong giai đoạn chuẩn bị lắp đặt các thiết bị. Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết công trình này thi công chậm do trước đây đơn vị thi công cho thợ nghỉ việc vì thiếu vốn. Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, hiện nay đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện các hạng mục còn lại để sắp đến bàn giao cho nhà trường đưa vào sử dụng.

Trước thực trạng các công trình nhà vệ sinh trên địa bàn quận Sơn Trà bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của các trường, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết sau khi nghe nhà trường báo cáo, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận đã báo cáo lãnh đạo Sở GD-ĐT. Thế nhưng, đến ngày 3-1, trên địa bàn quận Sơn Trà còn 3 công trình nhà vệ sinh trường học tại các trường: THCS P.B.C, tiểu học T.V.D, tiểu học N.T.P vẫn chưa hoàn thành.

Lý giải về tình trạng chậm tiến độ, ông H., đại diện một đơn vị thi công công trình nhà vệ sinh trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, cho biết khi nhận công trình, đơn vị thi công tự ứng tiền mua vật liệu, thuê nhân công làm việc... nên gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, trong những ngày đầu khởi công, thành phố chưa ứng kinh phí cho các đơn vị thi công nên hầu hết các công trình bị chậm tiến độ.

Trước thực trạng này, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị UBND thành phố có giải pháp cấp bách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kinh phí để nhà thầu sớm hoàn thành công trình, đưa  vào sử dụng. Cũng theo Sở GD-ĐT, đến nay UBND thành phố Đà Nẵng đã chi 20 tỷ đồng trên tổng số gần 46 tỷ đồng thanh toán cho các đơn vị thi công.

Điều tra của NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.