Bài cuối: Công trình tương xứng với tiền xây dựng?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngoài những công trình bị chậm tiến độ như đã nêu, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa đã hoàn tất, đưa vào sử dụng gần 4 tháng, thế nhưng kinh phí đầu tư xây dựng là bao nhiêu thì lãnh đạo nhà trường không biết.
Công trình nhà vệ sinh Trường tiểu học Ngô Mây (quận Sơn Trà) xây trên diện tích đất khoảng 46m2, cao 2 tầng nhưng riêng kinh phí xây dựng gần 650 triệu đồng. |
Theo lãnh đạo các trường, vì công trình xây dựng theo phương thức “chìa khóa trao tay”, nên chỉ biết nhận sử dụng mà thôi! Sau khi một số công trình nhà vệ sinh này đưa vào sử dụng đã có dư luận cho rằng giá trị xây lắp cao, nhưng công trình thì chưa tương xứng...
Nhà trường không được giám sát công trình
Ngày 31-12-2013, ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), cho biết sau thời gian chậm trễ tiến độ khoảng 2 tháng, cuối tháng 12 vừa qua, công trình xây dựng khu nhà vệ sinh của nhà trường đã được đơn vị thi công bàn giao đưa vào sử dụng. Thế nhưng, giá trị của công trình, kinh phí đầu tư xây dựng là bao nhiêu thì lãnh đạo nhà trường không biết chính xác được. Cũng theo ông Nguyễn Tăng Hoa, vì công trình thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay”, lãnh đạo nhà trường chỉ có trách nhiệm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công xây chất lượng như thế nào, trường cũng không thể biết, do không nằm trong ban giám sát.
Tương tự, công trình nhà vệ sinh 2 tầng của trường được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2013, nhưng đến nay, ông Cao Hữu Công, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, vẫn không biết tổng kinh phí xây dựng là bao nhiêu. Ông Công kể, trước khi khởi công công trình, lãnh đạo nhà trường đề nghị tham gia vào ban giám sát công trình nhưng không được chấp nhận. Vì thế, suốt quá trình xây dựng chỉ có đơn vị thi công và giám sát công trình, nên chất lượng thế nào nhà trường không biết. Mặc dù công trình nhà vệ sinh đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng đến nay vị trí của hầm rút, đường ống nước ở chỗ nào thì lãnh đạo nhà trường cũng chịu.
“Khi tôi còn làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cũng đã từng xảy ra tình trạng các dãy phòng học xây dựng theo phương thức “chìa khóa trao tay” chỉ trong thời gian ngắn là xuống cấp, hư hỏng. Bởi thế, xây dựng công trình nhà vệ sinh ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ mà lãnh đạo trường không nằm trong ban giám sát công trình thì chẳng biết chất lượng ra sao”, ông Công lo lắng.
Còn ở công trình nhà vệ sinh Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn), lãnh đạo nhà trường cũng không nằm trong ban giám sát. Vậy nếu đơn vị thi công rút ruột công trình thì làm sao biết? Trả lời câu hỏi này, ông Trương Công Sơn, Hiệu trưởng nhà trường lắc đầu nói rằng, cái đó thì nhà trường chịu thua, không thể biết được.
Nhiều công trình hơn 1 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng phần xây dựng, công trình nhà vệ sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) có giá 1,374 tỷ đồng và điều này được đại diện đơn vị thi công là Công ty T.D xác nhận. Đó là chưa kể thêm các khoản kinh phí tư vấn, giám sát… Quy mô công trình xây dựng 2 tầng khoảng 206m2, tường ốp gạch men. Theo quan sát, ở tầng 1 có 8 bồn rửa, 10 xí bệt, 8 xí treo, tất cả đều nhãn hiệu Caesar, 6 quạt. Ngoài ra, có 3 cửa gỗ, 10 bóng đèn. Tương tự, tầng 2 cũng giống như thế. Vị đại diện Công ty T.D cho hay, tính ra mỗi mét vuông xây dựng công trình Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ tương đương 6,6 triệu đồng (bao gồm cả phần thiết bị).
Công trình nhà vệ sinh Trường tiểu học Ngô Mây (quận Sơn Trà) có kinh phí xây dựng gần 650 triệu đồng, do Công ty N.V thi công được đưa vào sử dụng trong tháng đầu năm học 2013-2014. Công trình này tọa lạc trên diện tích đất khoảng 46m2, có quy mô 2 tầng kể cả hành lang. Ở tầng 1 có 4 bồn rửa mặt, 4 gương soi, 5 xí bệt dành cho học sinh; tầng 2 dành cho giáo viên có 6 xí bệt, 5 bồn rửa mặt, 2 gương và 3 xí treo. Nhưng theo lãnh đạo nhà trường, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xảy ra tình trạng ngập nước ở nền, vỡ kính… và đơn vị thi công đã khắc phục, sửa chữa. Khi chúng tôi hỏi công trình xây dựng với số tiền như trên liệu có tương xứng không, ông Nguyễn Viết Lượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Mây không bình luận.
Ở địa bàn quận Hải Châu, cũng có nhiều công trình được xây dựng với giá hơn 1 tỷ đồng. Ngày 4-1, chúng tôi đến Trường THCS Trần Hưng Đạo để xem công trình nhà vệ sinh của trường mới được xây dựng đưa vào sử dụng. Ông Huỳnh Bá Dậu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay công trình vệ sinh này có giá hơn 1 tỷ đồng. Theo quan sát của chúng tôi, công trình nhà vệ sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 50m2, được xây dựng 3 tầng, có hành lang khớp nối với khu phòng học. Mỗi tầng được trang bị 4 xí treo, 3 bồn rửa, 5 xí bệt. Với công trình này, tính ra có giá khoảng 7 triệu đồng/m2 (kể cả thiết bị).
Một giáo viên trường này cho rằng với diện tích nhà vệ sinh có vài chục mét vuông, bên trong trang bị các thiết bị bình thường như thế này mà hơn cả tỷ đồng là quá cao!
Sáng 6-1, sau khi nghe chúng tôi phản ánh dư luận cho rằng nhiều công trình vệ sinh trường học có giá quá cao, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, khẳng định quy mô công trình và giá thành như thế là hợp lý. Ông Chinh cho biết, trong quá trình thi công, Sở GD-ĐT liên tục yêu cầu các đơn vị thi công phải đặt yếu tố chất lượng lên trên hết.
Điều tra của NGỌC ĐOAN